Soạn giả: Thiên Không
Tất-đạt-đa Cồ-đàm (phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn Siddhārtha Gautama), cũng được gọi là Thích-ca Mâu-ni (Shakyamuni), là người sáng lập Phật giáo. Tất-đạt-đa (sa. siddhārtha) có nghĩa là "người đã hoàn tất (siddha) ý nghĩa [cuộc sống] (artha)". Đôi lúc ta cũng tìm thấy cách dịch ý Nhất thiết nghĩa thành, Thành tựu chúng sinh dịch từ dạng dài của tên Phạn ngữ là sarvārthasiddha. Như vậy Tất-đạt-đa Cồ-đàm là tên của vị Phật lịch sử, từng sống trên trái đất, người sáng lập Phật giáo. Ngài cũng còn được gọi là Phật Tổ Như Lai.Pháp thân của ngài là Đai Nhật Như Lai.
Tất-đạt-đa sinh khoảng năm 624 trước Công nguyên (nhằm ngày 15/04 âm lịch, tính đến năm 2015 đã trải qua 2559 năm) và nhập Niết-bàn khi đã sống được khoảng 80 tuổi, trong một gia đình hoàng tộc thuộc dòng Thích-ca (sa. śākya) tại Ca-tì-la-vệ (zh. 迦毘羅衛, sa. Kapilavastu) thuộc Nepal ngày nay. Cha của Ngài là vua Tịnh Phạn (zh. 淨飯, sa. śuddhodana), mẹ là hoàng hậu Maya (sa., pi. māyādevī), sinh ra ông trong khu vực vườn Lâm-Tỳ-Ni (zh. 嵐毘尼, sa. lumbinī), một thị trấn thuộc Ấn Độ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp sơn (sa. himālaya) và sông Hằng (sa gaṅgā), chịu ảnh hưởng khí hậu gió mùa: tháng 5 có thể nóng tới 40 °C, trong mùa đông nhiệt độ xuống tới 3 °C.
Ngay lúc sinh ra, Ngài đã có đầy đủ hảo tướng (Tam thập nhị hảo tướng). Các nhà tiên tri cho rằng Ngài sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. 7 ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Ngài được người dì là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (zh. 摩呵波闍波提, sa. mahāprajāpatī) chăm sóc. Năm lên 16 tuổi, Ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-la (zh. 耶輸陀羅, sa. yaśodharā).
Vua cha Tịnh Phạn dĩ nhiên không muốn thái tử đi tu nên dạy dỗ cho con rất kỹ lưỡng, nhất là không để Ngài tiếp xúc với cảnh khổ. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, thái tử phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà. Tương truyền rằng, bốn cảnh ngộ vừa kể là những cảnh tượng do các vị thiên nhân tạo ra nhằm nhắc nhở Ngài lên đường tu học Phật quả. Thái tử thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái Khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của Ngài.
Năm 19 tuổi, sau khi công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara) hạ sinh một bé trai - được đặt tên là La-hầu-la (zh. 羅睺羅, sa. rāhula), thái tử quyết định lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Ông quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-la Ca-lam (阿羅邏迦藍, sa. ārāda kālāma, pi. āḷāra kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (優陀羅羅摩子, sa. rudraka rāmaputra, pi. uddaka rāmaputta). Nơi A-la-la Ca-lam, Tất-đạt-đa học đạt đến cấp Thiền Vô sở hữu xứ (sa. ākiṃcanyāyatana, pi. ākiñcaññāyatana), nơi Ưu-đà-la La-ma tử thì học đạt đến cấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ (sa. naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana, pi. nevasaññā-nāsaññāyatana).
Nhưng Ngài cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát và có năm Tỳ-kheo (năm anh em Kiều Trần Như, sa. Koṇḍañña) đồng hành. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Ngài nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, năm tỉ-khâu kia thất vọng bỏ đi.
Sau đó Tất-đạt-đa ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ-đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày thiền định—mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu—Tất-đạt-đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh.
Ngài lúc đó biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt nên Ngài tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu nhiều nơi, Ngài mới quyết định chuyển Pháp luân. Ngài giờ đây mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni—"Trí giả của dòng dõi Thích-ca". Sau đó Ngài gặp lại năm vị tỉ-khâu, các vị đó nhận ra rằng Ngài đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Ngài, các vị đó biết rằng người này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin được giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Ngài chấm dứt sự im lặng.
Ngài bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát. Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Ngài đã giảng Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Vô ngã, Vô thường, Luân hồi, Duyên khởi,quy luật Nhân quả (Nghiệp) và nhiều bài pháp khác. Tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath gần Ba-la-nại (Benares hay còn gọi là Varanasi), Ngài bắt đầu những bài giảng đầu tiên, gọi là "Chuyển Pháp luân". Năm vị Tỳ-kheo đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Ngài và là hạt nhân đầu tiên của Tăng-già. Sau đó Ngài thuyết pháp từ năm này qua năm khác. Ông hay lưu trú tại Vương-xá (zh. 王舍城, sa. rājagṛha) và Phệ-xá-li (zh. 吠舍釐, sa. vaiśālī), sống bằng khất thực, đi từ nơi này qua nơi khác. Đệ tử của Ngài càng lúc càng đông, trong đó có vua Tần-bà-sa-la (zh. 頻婆娑羅, sa. bimbisāra) của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Vị vua này đã tặng cho Tăng đoàn một tu viện gần kinh đô Vương-xá. Các đệ tử quan trọng của Ngài là A-nan-đà, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ-khâu-ni (sa. bhikṣuṇī) được thành lập.
Ngài tịch diệt ở tuổi 80. Qua 45 năm giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm) nghĩ rằng các đệ tử có thể chấp lời mình nói là chân lý, chứ không phải chỉ là phương tiện giác ngộ, Ngài tuyên bố chưa từng nói lời nào (?). Lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: "Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tiến tu học (để đạt giải thoát)!". Theo kinh Đại bát-niết-bàn (pi. mahāparinibbāna-sutta), Ngài tịch diệt tại Câu-thi-na (zh. 拘尸那, sa. kuṣinagara) vào năm 486 (hay 483 trước Công nguyên). Trước đó sức khoẻ của Ngài đã trở nên rất yếu sau khi dùng bữa cúng dường tại nhà thí chủ Thuần-đà (zh. 純陀, pi. cunda), tuy nhiên sau đó Ngài có nhấn mạnh cho tôn giả A-nan-đà hiểu là Tăng chúng không nên khiển trách người thợ rèn đó đã có thiện ý tối thượng.
Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất
Lý do
1. Khi Phật còn sinh tiền, các giảng thuyết đều chỉ truyền miệng. Phật lại tùy theo trình độ hiểu biết và khả năng hấp thụ để có lời giảng thích hợp. Các phương pháp dùng lại rất phong phú tùy theo hoàn cảnh và phương tiện. Do đó, sự dị biệt khó tránh khỏi trong các lời giảng.
2. Ngay sau khi Phật nhập niết bàn, đã có các đệ tử cho rằng phải làm điều này, không làm điều nọ, không chịu ràng buộc tâm ý... Để tránh sự sai biệt, và bảo tồn các giáo pháp và luật lệ cho được toàn vẹn, Ma-ha-ca-diếp (Maha Kassapa) đã đề nghị kết tập và phân loại toàn bộ lời dạy của Phật lại thành kinh điển để tránh chia rẽ, sai lầm về giáo pháp.
Diễn biến và kết quả
Cuộc kết tập lần I đã được tổ chức tại thành Vương Xá (Rājagaha), gồm 500 A-la-han Arhat. Được sự bảo trợ của vua A Xà Thế (Ajatasatru) là vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha. Thời gian: vào mùa Hạ năm Đức Phật Niết-bàn. Ngài Ưu Ba Ly (Upali) trùng tuyên Luật tạng trước, Ngài A Nan trùng tuyên Kinh tạng sau. Bộ luật được trùng tụng là: Bát thập tụng Luật. Lý do kiết tập: Tỳ kheo Bạt Nan Đà vui mừng khi nghe tin Đức Phật nhập niết bàn. Phương pháp kết tập được kể lại bằng trí nhớ và cũng không có ghi thành văn bản. Những điều ghi nhận này sau đó được viết lại thành 4 bộ kinh:
1. Kinh Trường A Hàm (Digha agama)
2. Kinh Trung A Hàm (Majjhima agama)
3. Kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara agama)
4. Kinh Tạp A Hàm (Samyutta agama)
Đây là các tài liệu cổ nhất có ghi lại cuộc đời của Phật và hoạt động của Tăng đoàn, đánh dấu bước đầu hình thành Kinh tạng và Luật tạng. Các bộ kinh văn trên cũng là căn bản cho Phật giáo nguyên thủy.
Kết tập lần thứ II
Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ hai
Lý do
1. Sau 100 năm (đầu thế kỉ thứ 5 TCN) thì có nhiều người muốn thay đổi một số điều chi tiết trong giới luật. Đại hội kết tập lần thứ II cốt để bàn thảo về những thay đổi này.
2. Đại hội còn nhằm mục đích ngăn không để các tư tưởng của các đạo khác thâm nhập vào giáo lý Phật giáo.
Diễn biến và kết quả
Đại hội có 700 vị tỳ kheo, được tổ chức tại Vesali trong tám tháng dưới sự trợ giúp của vua Kalasoka. Trong đại hội những người không đồng ý với việc giữ nguyên giới luật ban đầu đã bỏ ra để tổ chức một hội nghị kết tập riêng và thành lập Đại chúng bộ (mahāsāṅghika). Số người còn lại vẫn tiếp tục kết tập kinh điển, sau đó hình thành Thượng tọa bộ (Theravada).
Vua Asoka và Kết tập kinh điển lần thứ III
Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba
Asoka (A Dục) là hoàng đế của đế chế Mauryan, ra đời khoảng năm 273 TCN. Trước khi trở thành Phật tử, ông có tính khí rất hung bạo, đã giết nhiều anh em của mình để cướp ngôi vua cũng như đã xua quân chiếm lãnh thổ Kalinga (ngày nay thuộc bang Orissa) phía Đông Ấn Độ. Nhưng ngay sau đó nhờ gặp được Sa di Nigrodha, ông theo Phật giáo cải hối và làm rất nhiều điều thiện, chống lại bạo lực. Ông là người có công lớn khuyến khích Phật giáo, xây dựng hàng chục ngàn chùa chiền, bảo tháp Phật giáo.
Đây là giai đoạn đánh dấu sự phát triển của Phật giáo ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Nhiều đoàn truyền giáo đạo Phật đã được cử đến khắp nơi từ Âu sang Á, đến tận Hy Lạp, các nước tại Trung Á, Trung Đông, cũng như Trung Quốc, Miến Điện và Sri Lanka. Hiện còn một vấn đề đang được tranh luận là liệu đoàn thuyết pháp của vua Asoka đã đến được Việt Nam hay không. Câu hỏi này còn trông chờ vào việc tìm ra thêm các bằng chứng về khảo cổ ở Việt Nam. Ngoài ra, vua Asoka còn là người bảo trợ cho kỳ kết tập kinh điển thứ lần thứ III.
Kết tập kinh điển lần thứ III và bản dịch tiếng Pali của toàn bộ Tam Tạng kinh
Lý do: Trong thời gian vua Asoka trị vì vào giữa thế kỉ thứ 3 TCN, Phật giáo đã phát triển rộng ra nhiều nơi. Một điều tất yếu là có nhiều sự phân hóa ngay trong đạo Phật. Tăng đoàn cũng đã bị một số người trà trộn và lạm dụng, gây nhiều bất hòa nội bộ.
Diễn biến và kết quả: Hội nghị được chủ trì bởi Moggaliputta Tissa, khoảng 1.000 tì kheo ưu tú được cử đến. Hội nghị được tổ chức vào khoảng năm 225 TCN và kéo dài trong 9 tháng. Địa điểm kết tập là thành Pataliputta thuộc về đế chế Magadhan dưới sự khởi xướng và giúp đỡ của vua Asoka. Đây là lần đầu tiên Tam Tạng Kinh bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng được hoàn thiện.
Cuối đại hội, Moggaliputta Tissa đã chỉ ra "Những Điểm Dị Biệt" (Kathavatthu) để bác bỏ luận thuyết không hợp lệ của một số bộ phái. Đại hội kết tập này có hạn chế là chỉ được sự công nhận về giáo pháp của tông phái Thượng tọa bộ, tông phái chiếm đa số lúc bấy giờ. Sau đại hội, Tam Tạng kinh cùng với các chú giải được con trai vua Asoka là Mahinda đem tới Tích Lan. Các kinh điển này sau đó đã được dịch sang tiếng Pali và còn nguyên vẹn cho đến nay.
Kết tập lần thứ IV và các lần sau đó
Đối với kỳ kết tập lần thứ IV thì các sử liệu đã không hoàn toàn thống nhất với nhau về thời gian tính và địa điểm. Có hai thuyết đáng lưu ý là:
1. Thuyết thứ nhất:
Lý do:: Vua Kanishka là tín đồ trung thành với Phật giáo, rất ưa được nghe giảng kinh văn nên thường mời nhiều tu sĩ Phật giáo đến giảng kinh. Tuy nhiên, ông nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt về các kiến giải trong Phật giáo nên khởi tâm bảo trợ cho kì kết tập lần thứ IV.
Diễn biến và kết quả: Thời gian kết tập là vào khoảng 400 năm sau khi Phật nhập niết bàn (thế kỷ thứ 1). Địa điểm là vùng Kasmira miền Tây Bắc Ấn Độ. Hội nghị bao gồm 500 học giả giỏi về Tam Tạng kinh và do Vasamitra chủ tọa với sự trợ giúp của Parsva.
Sau khi kết tập, vua Kanishka đã ra lệnh khắc lại toàn bộ Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng lên trên những lá đồng, bảo quản tại một nơi cố định, không cho mang ra ngoài. Tuy nhiên, những di vật này đã bị thất lạc, nay chỉ còn phần thích luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (Abhidharma Mahavibhasa sastra) mà Trần Huyền Trang đã dịch sang tiếng Hán, gồm hai trăm quyển.
1. Thuyết thứ hai: Thời gian kết tập là vào khoảng 400 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, do vua xứ Tích Lan là Vattagàmani hỗ trợ. Kì kết tập này đã đọc, hiệu đính và sắp xếp lại thứ tự của Tam Tạng kinh, cũng như dịch bộ kinh này sang tiếng Pali. Thuyết này được nhiều học giả công nhận chính là kết tập lần thứ IV của Thượng Tọa Bộ (Theravada).
Các kỳ kết tập khác: Các lần kết tập còn lại đều là của riêng bộ phái Thượng Tọa Bộ (còn gọi là Nam Truyền) tiến hành.
o Kết tập lần thứ V được tổ chức vào năm 1871, trong suốt 5 tháng tại thủ đô của Miến Điện lúc bấy giờ là Mandalay. Số người tham dự gồm 2.400 cao tăng dưới sự bảo trợ của vua Mindon. Kết quả là 3 tạng kinh được hiệu đính lại và đem khắc trên 729 phiến đá hình vuông cất vào trong chùa tháp Kuthodaw.
o Kết tập lần thứ VI bắt đầu ngày 17 tháng 5, nhân dịp lễ Phật Đản, năm 1954, trong suốt thời gian là 2 năm. Địa điểm kết tập là phía Bắc của Ngưỡng Quang (Yangon), trên núi Nghệ Cố. Dưới sự khởi xướng của Giáo hội Phật giáo Miến Điện và bảo trợ của chính phủ Miến Điện. Kết quả là sự tham khảo lại tất cả kinh điển của các nước Phật giáo Nam truyền, rồi đúc kết và đem xuất bản để truyền bá.
Diễn tiến và kết quả hội nghị: Tiến hành suốt 7 tháng mới hoàn thành.Đại hội ủy nhiệm tôn giả Upali tuyên đọc giới luậty của đức Phật đã dạy cho hai chúng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni Sau đó vị chủ tọa và hội nghị nêu các câu hỏi chất vấn để xác minh tính chính xác của lời tụng như điều ấy Phật dạy cho ai, lúc nào, ở đâu? Ngài Upali phải tụng 80 lần như thế mới được hội nghị công nhận (nên gọi tên là bát thập tụng luật)
Đây chính là phần căn bản của giới luật. Về sau, các vị tổ sư mới làm căn cứ để thêm các bộ luật như Tăng Kỳ luật, Tứ phần luật, Ngũ phần luật...
Đó là lịch sử của Đức Thích ca Mâu Ni Phật, khởi đầu từ năm 624 là năm đản sinh của Ngài trước Công Nguyên đến thời đại của vua Asoka (A Dục) năm 273 TCN là năm Kết Tập Kinh Điển lần thứ ba. Đây là chi tiết đáng nhớ vì sau cuộc Kết Tập lần thứ ba này, vua Asoka đã cho các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trong đó có Đông Nam Á, những vết tích kiếm được tại Việt Nam chưa được có nhiều nhưng khi kết tựu lại lịch sử Phật Giáo thế giới thì chúng ta cũng thấy được nguồn gốc của Phật giáo VN.
Con đường Hoằng pháp Phật giáo tại Đông Nam Á… tại Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, được đưa qua hai con đường Tây Bắc và Đông Nam.
Ngỏ Tây Bắc qua con đường tơ lụa, đường bộ, phải đi qua sa mạc mải đến thế kỷ thứ bảy sau Công Nguyên, đời nhà Đường do Trần Huyền Trang mà sử viết là Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, mất một năm di chuyển cho hành trình lượt đi này, lượt về cũng mất hết một năm, cộng với mười lăm năm ở tại Ấn Độ…
Ngỏ Đông Nam di chuyển bằng tàu, đở cực nhọc và chông gai, thời gian củng ít đi… chỉ nguy hiểm khi có bảo tố. Các đoàn truyền giáo đã qua ngỏ này phần lớn sau khi nhận được sự trợ giúp của vua A Dục…
So với các quốc gia khác ở Viễn Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên thì Phật giáo được du nhập vào Việt Nam sớm nhất, ngay từ thế kỷ đầu tiên sau CN hay có thể vào sau cuộc kết Kết Tập Kinh Điển lần thứ ba. Đến thế kỷ thứ hai thì tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo hưng thịnh nhất ở Viễn Đông, đó là trung tâm Phật giáo Luy Lâu (ở Bắc Ninh) thủ phủ của chính quyền đô hộ. Trung tâm Phật giáo này đã có nhiều tăng sĩ, nhiều kinh sách và đã trưởng thành hơn hai trung tâm Phật giáo đương thời ở Trung Hoa là trung tâm Phật giáo Lạc Dương (Hà Nam) và trung tâm Phật giáo Bình Thành (ở Giang Tô). Lạc Dương là kinh đô của Trung Hoa vào đời nhà Hán và Bình Thành là một đô thị nằm trên hạ lưu sông Dương Tử.
Sử liệu có giá trị nhất là cuốn Phật giáo Việt Nam Sử luận đã chứng minh được rằng:
“Trung tâm Luy Lâu (ở Giao Châu) được thành lập sớm nhất và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bình Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa.”
Bởi địa thế đặc biệt của mình, Giao Châu là ngã tư giao thông ở Á Châu và là nơi giao tiếp của các nền văn hóa Đông phương, đặc biệt là nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ nên nước ta vào đầu công nguyên đã tiếp thu nền văn hóa Trung Hoa mà tiêu biểu là Nho giáo và Lão giáo do chính quyền đô
hộ trực tiếp du nhập, đồng thời cũng đã tiếp thu Phật giáo, tinh hoa của nền văn hóa Ấn Độ do những tăng sĩ Ấn Độ trực tiếp truyền sang bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Chính các tăng sĩ Ấn Độ này đã hình thành trung tâm Luy Lâu, nơi vừa là thủ đô của Phật giáo ở Giao Châu, vừa là bàn đạp để truyền bá Phật giáo sang Trung Hoa và hình thành hai trung tâm hưng thịnh nhất của Phật giáo Trung Hoa là trung tâm Bình Thành và trung tâm Lạc Dương.
Tuy là do Ấn Độ trực tiếp truyền sang nhưng ngay từ buổi đầu Phật giáo ở nước ta đã là Phật giáo đại thừa bởi vì vào lúc ấy, đầu thế kỷ thứ I, khuynh hướng Phật giáo đại thừa đã nảy nở mạnh mẽ tại Ấn Độ. Các trung tâm Amaravati và Nagarjunakoda ở miền duyên hải đông nam Ấn Độ đã trở thành những trung tâm Phật giáo đại thừa hưng thịnh. Ý hướng và hành động đem Phật giáo truyền bá ở các nước xa chính là một trong những hoa trái tốt lành đầu tiên của đạo Phật đại thừa. Để hoằng dương chánh pháp ở phương xa, những tăng sĩ Ấn Độ đã đi theo những thuyền buôn đến các nước vùng Đông nam á và họ đã dừng chân, một cách đương nhiên, ở Giao Châu, vừa là trung tâm và giao điểm ở đông nam á, vừa là đầu tàu, là bàn đạp thuận tiện nhất để tiến vào Trung Hoa. Chính vì lẽ đó mà Giao Châu đã được tiếp thu hương vị giải thoát sớm hơn các quốc gia khác ở Viễn đông. Rồi cũng chính từ trung tâm Luy Lâu ở Giao Châu mà Phật giáo được truyền vào Trung Hoa và xây dựng được hai trung tâm Phật giáo hưng thịnh ở Bình Thành và Lạc Dương.
Những khẳng định này được chứng minh bằng nhiều tài liệu, đoạn nói về lịch sử du nhập của Phật giáo vào nước ta sau đây, trích từ cuốn Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, một tác phẩm thiền học được viết trong đời Lý Trần đã cho ta thấy rõ là Phật giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Đông (Trung Hoa):
Xét chuyện Đàm Thiên pháp sư, ta thấy về đời nhà Tùy, vua Cao tổ, giáo pháp được nâng đỡ rất nhiều. Vua Văn Đế nói: Trẫm nghĩ nhớ tới lòng từ bi của đức Điều Ngự khi ngài thuyết dạy chính pháp, không biết làm sao để báo ân đức này. Từ khi lên ngôi, trẫm đã hỗ trợ tam bảo khắp nơi thâu xá lợi di thể làm bảo tháp thờ khắp nước, đến 49 nơi để làm nơi dẫn dắt cho nhân gian. Trẫm đã làm hơn 150 ngôi chùa và bảo tháp. Ta cũng muốn làm chùa tháp ở Giao Châu để cho phước đức được thấm nhuần đại thiên thế giới. Xứ ấy tuy nội thuộc nhưng ở quá xa. Vậy pháp sư hãy chọn một số danh tăng sang đó để giáo hóa khiến cho mọi người đều biết đến đạo bồ đề. Pháp sư Đàm Thiên tâu: Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ). Khi Phật pháp mới tới Giang Đông chưa đầy đủ gì thì ở thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 ngôi chùa độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi… như vậy là vì Phật giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Đông vậy. Hồi ấy có các vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Mâu Bác… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ (bồ tát) đắc pháp với Tì Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chí của tam tổ là một vị bồ tát sống, cư trú tại chùa Chung Thiên, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là bậc cha hiền khắp chốn muốn bình đẳng bố thí nhưng đất kia đã có người rồi ta không cần gửi người tới nữa.”
Trên đây là lời đối đáp giữa vua Tùy Văn Đế với Đàm Thiên pháp sư được thuật lại bởi thiền sư Trí Không (sau được nhà Lý tôn làm Thông Biện Quốc Sư) để trả lời câu hỏi “đạo Phật đến nước ta hồi nào?” của bà hoàng thái hậu Phù Cẩm Linh Nhân, trong buổi lễ trai tăng ngày rằm tháng hai năm 1096 ở trong kinh thành Thăng Long.
Không những được truyền đến trước Trung Hoa, có nhiều tăng sĩ hơn ở Trung Hoa, Phật giáo ở Giao Châu còn trưởng thành hơn Phật giáo ở Trung Hoa. Bằng chứng là tác phẩm Phật giáo đầu tiên được viết bằng chữ Nho là một tác phẩm được viết ở Giao Châu, đó là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử.
Mâu Tử sinh vào khoảng từ năm 165 đến năm 170. Ông học Phật ở Giao Châu và viết cuốn Lý Hoặc Luận để trả lời những khích bác về Phật giáo của những người không theo đạo Phật, đặc biệt là của những trí thức Trung Hoa theo Khổng giáo và Lão giáo từ đất Hán chạy qua Giao Châu tị nạn vào đời Tam quốc. Con người Mâu Tử được coi là con người tiêu biểu của thế hệ Phật tử Việt Nam vào thời ấy và cho cả Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn khởi đầu. Cũng như dân tộc ta, tiếp thu Khổng giáo và Lão giáo trực tiếp từ Trung Hoa trước khi tiếp thu Phật giáo, Mâu Tử đã thấm nhuần tư tưởng Khổng Lão trước khi trở thành Phật tử, vì vậy, sau khi trở thành Phật tử, thấm nhuần tinh thần bao dung, khai phóng và phá chấp của Phật giáo, Mâu Tử có một cái nhìn dung hòa và tổng hợp tam giáo rất mạnh mẽ. Đây là nét nổi bật và độc đáo của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ khai sinh cũng như trong suốt dòng lịch sử của mình. Chính nền Phật giáo rất đặc biệt Việt Nam, được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ nhưng không giống Phật giáo Ấn Độ và về sau chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nhưng khác biệt Phật giáo Trung Hoa đã đào tạo, hun đúc cho Mâu Tử cũng như những tăng sĩ và Phật tử đương thời ở Giao Châu một tinh thần và phong thái vô cùng độc đáo, hòa đồng vào tinh thần và phong thái dân tộc để rồi cùng nền văn hóa truyền thống của dân tộc hóa giải và tổng hợp tất cả các trào lưu văn hóa từ bốn phương đổ về để bồi đắp, nâng cao và thành tựu rực rỡ nền văn hóa đặc thù siêu việt của dân tộc.
Một tôn giáo, hay đúng hơn, một đạo sống khai phóng và giải thoát, hài hòa với tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc, hội nhập với nền văn hóa độc đáo của dân tộc, vừa thích hợp với tầng lớp trí thức cũng như tầng lớp bình dân vừa chan chứa tinh thần đại từ đại bi vừa dạt dào tinh thần đại hùng đại lực, lại không phải đến từ những thế lực xâm lăng để đô hộ đất nước, khống chế tinh thần nhân dân và nô lệ hóa con người nên đạo Phật ngay từ buổi đầu đã được dân chúng Giao Châu tiếp đón nồng nhiệt và chẳng bao lâu đã trở thành một tôn giáo dân tộc, ở trong lòng dân tộc và hợp nhất với dân tộc. Phật giáo đã hòa tan vào dân tộc như sữa hòa tan vào nước. Phật giáo đã thấm vào lòng quần chúng như nước thấm vào đất đai và cũng như phù sa làm ruộng vườn đất đai thêm phì nhiêu màu mỡ. Phật giáo đã làm cho văn hóa Việt Nam thêm khởi sắc, thêm sáng đẹp, làm cho đời sống nhân gian thêm thuần từ, thêm nhân hậu và làm cho tinh thần quốc gia, ý thức dân tộc của người Giao Châu thêm vững chắc, kiên cường. Không những thế, Phật giáo còn trở thành sức mạnh tâm linh, một vũ khí văn hóa giúp dân tộc ta đề kháng chống lại chính sách đồng hóa của Hán tộc và đập vỡ vai trò độc tôn tư tưởng văn hóa của đế quốc Trung Hoa. Đây là những đóng góp rất lớn lao của Phật giáo cho những phong trào kháng chiến giành độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc.
Trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai, ta đã thấy hai trào lưu văn hóa mới xâm nhập mạnh mẽ vào Giao Châu. Một bên là Khổng giáo được coi như là ý thức hệ chính thức của chính quyền đô hộ và tầng lớp thống trị, một bên là Phật giáo được coi như là một đạo sống, một suối nguồn an ủi và giải thoát của tầng lớp bình dân nô lệ. Tuy bản chất và công dụng của hai trào lưu văn hóa này khác nhau nhưng nhờ triết lý và phương pháp hành động của Phật giáo cũng như của Việt Nam là dung hòa để hóa giải chứ không phải là chống đối, bài bác, sát phạt để đi đến tình trạng một mất một còn nên trong nước, về mặt tín ngưỡng nói riêng và mặt văn hóa nói chung vẫn không có sự xung đột giữa hai tôn giáo và hai trào lưu văn hóa này. Nhưng đồng thời sự đối kháng của dân tộc và đế quốc, giữa những lực lượng đứng về phía dân tộc để bảo vệ và phụng sự dân tộc với những thế lực tay sai đế quốc, phục vụ cho đế quốc để đàn áp và tiêu diệt dân tộc vẫn tiếp diễn quyết liệt. Trên trận chiến này, giữa Khổng giáo và Phật giáo đã có một chiến tuyến rõ rệt. Khổng giáo đứng vào hàng ngũ đế quốc và bị đế quốc sử dụng như một công cụ để khống chế dân tộc, trong khi đó Phật giáo đứng về phía của khối quần chúng đau khổ, bị áp bức và bóc lột, để cùng quần chúng chia sẻ những đau thương và tủi
nhục và để cùng quần chúng quật khởi đấu tranh. Bắt đầu từ thế kỷ thứ hai, Khổng giáo và nền văn hóa Hán tộc rất thịnh trị. Nhưng sự hưng thịnh này, về mặt văn hóa cũng như mặt chính trị của quân xâm lăng vẫn không dập tắt nổi lòng yêu nước và ý thức dân tộc của nhân dân Giao Châu. Dân chúng vẫn trùng trùng đứng dậy đấu tranh tự giải phóng, những cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân thù vẫn liên tục nổ ra khắp xứ Giao Châu.
Năm 100 nhân dân ở huyện Tượng Lâm ở phía nam quận Nhật Nam nổi lên giết bọn quan lại đô hộ chiếm chính quyền ở đó.
Năm 116 dân chúng bốn quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Nam Hải nổi lên khởi nghĩa ở quận Nam Hải.
Năm 137 nhân dân huyện Thương Lâm ở quận Nam Hải lại khởi nghĩa và cuộc khởi nghĩa lan rộng qua quận Giao Chỉ, Cửu Chân, chính quyền Trung Hoa phải cho đại quân qua đàn áp nhưng năm 144 nhân dân quận Cửu Châu lại nổi lên một lần nữa.
Năm 157 Chu Đạt lãnh đạo nhân dân quận Cửu Chân đứng lên khởi nghĩa và giết chết tên thái thú Cửu Chân. Năm 160 quân Tàu phải kéo sang đàn áp.
Năm 178 dân chúng bốn phương Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, người Nùng ở Vân Nam và người Choang ở Quảng Tây liên tiếp nổi lên chống chính quyền đô hộ. Cũng trong năm đó, Lương Long ở quận Giao Chỉ khởi nghĩa, nghĩa quân có đến mấy vạn người. Năm 181 bọn xâm lăng lại phải kéo quân sang đàn áp.
Năm 184 binh lính ở quận Giao Chỉ nổi lên làm binh biến, giết thứ sử Chu Ngang, viên quan cai trị cao cấp nhất của chính quyền đô hộ. Mấy năm sau dân chúng lại nổi lên giết tên thứ sử Chu Phù.
Năm 190 dân chúng ở quận Nhật Nam ở phía cực nam của Giao Châu đồng loạt khởi nghĩa tiêu diệt chính quyền đô hộ, lập ra nước Lâm Ấp.
Vào đầu thế kỷ thứ ba, chính quyền nhà Hán ở Trung Hoa tan rã và ở Trung Hoa xảy ra cảnh Tam Quốc Ngụy Ngô Thục. Nhà Ngô hùng cứ ở phương nam Trung Hoa, nên nước ta trở thành nội thuộc nhà Ngô. Chính quyền nhà Ngô chia Giao Chỉ Bộ ra làm hai: các quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô (Quảng Đông, Quảng Tây) trở thành Quảng Châu, các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (bắc bộ và bắc trung bộ) trở thành Giao Châu. Nhà Ngô vẫn tiếp tục thi hành chính sách đô hộ đàn áp, bóc lột và đồng hóa dã man, khắc nghiệt của nhà Hán. Vì vậy nên vào đầu thế kỷ thứ ba, nhân dân các quận Nam Hải, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân liên tục khởi nghĩa. Khoảng những năm 230 đã có lúc quân xâm lăng tàn sát hàng chục ngàn người nhưng phong trào kháng chiến cứu nước vẫn không hề bị dập tắt. Từ đầu những năm 240 trở đi, dân chúng các quận Giao Chỉ, Cửu Chân liên tục khởi nghĩa và đã đưa đến đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa lớn của Triệu Thị Trinh năm 246.
Bà Triệu lúc còn là một thiếu nữ 17, 18 tuổi đã tỏ ra là một người có tinh thần yêu nước mãnh liệt và có chí khí phi thường, bà giao du rất rộng, tập hợp được cả hàng ngàn thanh niên thiếu nữ ngày đêm cùng họ tập luyện võ nghệ và bàn chuyện nước nhà. Anh bà là Triệu Quốc Đạt khuyên bà là con gái không nên giao du nhiều và có những hành động táo bạo, bà trả lời khẳng khái rằng:
“Người ta sống ở cõi đời như mầm cây ngọn cỏ, tươi héo chỉ trong nháy mắt, từ thanh xuân đến già cỗi nhanh chóng như bay. Cho nên không kể là trai hay gái phải lập công to để tiếng thơm nghìn năm, việc gì lại cúi đầu khom lưng làm tôi tớ kẻ khác.”
Quốc Đạt khuyên bà nên lấy chồng chớ không nên hoạt động cách mạng cứu nước, bà dõng dạc đáp:
“Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở ngoài biển Đông, quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu khom lưng làm tì thiếp người.”
Năm 20 tuổi bà Triệu phất cờ khởi nghĩa ở căn cứ địa Ngàn Nưa (Thanh Hóa) và lãnh đạo hàng chục ngàn nghĩa quân dũng mãnh chớp nhoáng đánh chiếm quận Cửu Chân giết tên thái thú quận này, rồi ồ ạt tấn công quận Giao Chỉ, giết chết tên thứ sử Giao Châu và đánh tan toàn bộ chính quyền đô hộ của nhà Ngô. Sứ Tàu phải thú nhận: “Năm 248 toàn thể Giao Châu đều chấn động”. Nhà Ngô lo sợ phái danh tướng Lục Dân sang làm thứ sử Giao Châu và kéo đại quân qua đàn áp phong trào khởi nghĩa, đã lan tràn thành một phong trào cách mạng giải phóng trên toàn Giao Châu. Bà Triệu cỡi voi chiến, lãnh đạo nghĩa quân đánh nhau với giặc nhiều trận và làm cho chúng phải khiếp sợ than rằng:
“Hoằng qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan”
(Múa giáo đánh hổ dễ
Đối diện vua bà khó)
Sau nhiều trận ác chiến với quân giặc, vì quân ít thế cô nên nghĩa quân dần dần tan rã và bà Triệu đã tự vẫn ở trên núi Tùng (Thanh Hóa) vào ngày 4 tháng 4 năm 248. Lúc ấy bà chỉ mới 22 tuổi và vẫn còn là một thiếu nữ nhưng vì tôn kính một bậc anh hùng nên nhân gian gọi là bà Triệu hay vua bà. Thương tiếc bà, thương tiếc cuộc khởi nghĩa bất thành và để nuôi dưỡng tinh thần kháng chiến chống quan xâm lăng, nhân gian đã đặt thành bài hát ru con sau đây để luân lưu mãi trong lòng người, luân lưu mãi qua bao thế hệ hình ảnh tuyệt đẹp của bà Triệu cỡi voi xung phong ra trận tuyến quân thù:
Ru con, con ngủ yên lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà vui Triệu cưỡi voi đánh cồng
Hình ảnh lộng lẫy, uy dũng của bà Triệu còn được truyền tụng và nhắc nhở qua bài thơ sau :
Kiều Kiều nữ tướng quân
Anh danh động phong trần
Tài năng Ngô tứ đán
Phiêu dục động nhân tâm
(Bà tướng quân kiều kiều
Danh tiếng vang khắp nơi
Tài năng Ngô vất vía
Sắc đẹp động lòng người.)
Trong cảnh nô lệ, tối tăm, trong sinh mệnh đau khổ và anh hùng của dân tộc đạo Phật đã đi vào nhân gian, thấm vào lòng người để an ủi, xoa dịu những đau khổ của một dân tộc mất nước, để đem lại niềm tin và sự sống trong cảnh nô lệ, tang tóc, để đánh thức con người lên đường cứu nguy và giải phóng. Điều kỳ diệu là trong cảnh vong quốc và trong xích xiềng của guồng máy đô hộ cũng như của văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt Nam không những vùng lên để đấu tranh tự giải phóng mà còn vươn lên trên bầu trời tư tưởng, học thuật, văn hóa, mà còn đem chánh pháp để khai thị, giáo hóa kẻ đang đô hộ, thống trị mình. Việt Nam đã làm được những thành tích phi thường như vậy là nhờ Việt Nam đã được tiếp thu và đã sống trong một nền văn hóa cao rộng hơn, siêu việt hơn và nhân bản hơn nền văn hóa Trung Hoa, đó là nền văn hóa Phật Giáo.
Trong thế kỷ thứ ba, Việt Nam được đón tiếp thêm một suối nguồn tâm linh mới, vô cùng phóng khoáng và hùng tráng, đó là thiền tông. Người thắp sáng ngọn đuốc thiền ở Việt Nam là Khương Tăng Hội và cũng chính Khương Tăng Hội từ Việt Nam, đem thiền tông phát huy ở Trung Hoa. Trong giai đoạn này, đế quốc Trung Hoa đang xâm chiếm và thống trị Việt Nam bằng bạo lực, thế nhưng Khương Tăng Hội của Việt Nam đã đem mặt trời thiền đến chinh phục và thắp sáng Trung Hoa, để rồi từ đó cho cả ngàn năm về sau, ngự trị cả một phương trời tâm linh rộng lớn của Trung Hoa.
Khương Tăng Hội gốc người nước Khương Cư (Sogdiang) nhưng ông được sinh ở Giao Châu cũng như xuất gia và tu học ở Giao Châu. Ông thông hiểu cả tiếng Tàu lẫn tiếng Phạn và có một kiến thức uyên thâm về Khổng, Lão, Phật, đặc biệt là về Phật giáo đại thừa và thiền học. Ông đã để lại nhiều tác phẩm về dịch thuật như cuốn Tiểu Phẩm Bát Nhã, kinh căn bản và xuất hiện sớm nhất của đại thừa, sáng tác như cuốn Lục Độ Yếu Lược, Nê Hoàn Phạm Bối, chú sớ và đề tựa kinh An Bang Thủ Ý do An Thế Cao dịch, kinh Đạo Thọ do Chi Kiếm dịch. Khương Tăng Hội qua việc chú sớ và đề tựa kinh An Bang Thủ Ý, một kinh thiền tông rất thông dụng ở Việt Nam, đã có khuynh hướng đại thừa hóa thiền tông. Thiền tông Việt Nam do đó khởi nguyên đã là thiền đại thừa. Điểm khác biệt giữa thiền đại thừa và thiền tiểu thừa là thiền đại thừa xem diệu tâm chân như là bản thể của giác ngộ. Đây cũng chính là quan niệm thiền của Bồ Đề Đạt Ma, tổ thứ 28 của thiền tông Ấn Độ và tổ thứ nhất của thiền tông Trung Hoa. Xem như thế ta thấy Khương Tăng Hội đã đi trước Bồ Đề Đạt Ma đến ba thế kỷ.
Khương Tăng Hội đã đến Kiến Nghiệp (Nam Kinh) thủ đô nước Ngô vào năm 255 và mất vào năm 280. Như vậy, sau khi tu học và chứng đắc ở Giao Châu, ông đã đến hoằng pháp ở Trung Hoa suốt 25 năm. Trong thời gian hoằng pháp lâu dài này, ông là người có công lớn trong việc gieo truyền Phật pháp và thiền tông trên Trung Hoa, đặc biệt là ở vùng đông Ngô. Theo Cao Tăng Truyền thì ông là vị sa môn đầu tiên xuất hiện ở đây và là người đã dựng lên ngôi chùa đầu tiên ở đông Ngô, tên là Kiến Sơ Tự. Tuy là người đầu tiên đến hoằng pháp nhưng ông đã thành công đến nỗi chính Ngô Vương Tôn Quyền phải tin phục và chịu thọ ngũ giới và quy y với ông. Trong thế kỷ thứ ba chính nhờ Khương Tăng Hội mà “đại pháp trở nên hưng thịnh ở miền Giang Nam”
Ngoài Khương Tăng Hội trong thế kỷ thứ ba ở Giao Châu còn có Chi Cương Lương Tiệp, người nước Nhục Chi đã dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội ở Giao Châu vào năm 255 hay 256. Chi Cương Lương Tiệp cũng là một tăng sĩ thuộc Phật giáo đại thừa và có khuynh hướng thiền tông. Ngoài ra còn có Ma Ha Kỳ Vực người Ấn Độ đến Giao Châu vào cuối thế kỷ thứ ba. Ông có một phong thái siêu dị chẳng khác gì Bồ Đề Đạt Ma sau đó ba thế kỷ.
Sang thế kỷ thứ năm, Giao Châu được đón tiếp Đạt Ma Đề Ba từ Ấn Độ đến. Ông là một thiền sư thượng thặng chẳng kém gì Bồ Đề Đạt Ma. Ông có một đệ tử xuất sắc là thiền sư Huệ Thắng, một thiền sư Việt Nam lẫy lừng đã đem thiền tông đến Trung Hoa và tung hoành giữa thủ đô Phật giáo của nước này. Sách Cao Tăng Truyện viết: “Thích Huệ Thắng là người Giao Chỉ ở chùa núi Tiêu Châu, đã từng vân du khắp các miền sông núi, thong dong giải thoát, đọc kinh Pháp Hoa mỗi ngày một lần… đã từng theo thiền sư ngoại quốc là Đạt Ma Đề Ba để học phương pháp quán hạnh về thiền. Mỗi khi nhập định thì ngày mai mới xuất định. Lưu Tích ở Bình Thành khi làm thái thú ở Nam Hải có nghe nói đến đạo phong của ngài, lúc về nước đã đến cung thỉnh ngài cùng đi. Huệ Thắng thiền sư nhận lời. Khi về tới Bình Thành thì cư trú ở chùa Vạn Thế để chỉ bày chân thế màu nhiệm. Ngài thường làm ra vẻ như người ngu ngốc nhưng những kẻ đã ở lâu với ngài thì rất kính trọng, nhất là những học giả về thiền thì rất khâm phục… Năm Vĩnh Minh thứ năm (487) ngài dời về Diêu Hiền tịnh xá tại núi Khế Chung. Từ trẻ tới già ngài vẫn giữ một tâm trinh chính, ngài mất trong khoảng niên hiệu Thiên Giám, tuổi vừa 70”
Đoạn trên cho ta một dữ kiện quan trọng là thiền sư Huệ Thắng của Giao Châu đã được mời đến thuyết giảng hoằng hóa Phật pháp ở Bình Thành, một trung tâm Phật giáo lớn vào bậc nhất của Trung Hoa vào thời ấy, và thiền sư đã được “những học giả về thiền (của Trung Hoa) rất khâm phục” Xem đó, ta thấy trình độ thiền học cao siêu của Huệ Thắng và qua Huệ Thắng trình độ thiền học cao siêu của Phật giáo nước ta thời ấy. Như vậy, trước khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa và xây dựng một nền thiền học hưng thịnh ở đó thì ít nhất đã có hai thiền sư Việt Nam đến gieo truyền đạo thiền và đóng góp lớn cho Phật giáo nói chung và thiền tông nói riêng của Trung Hoa, đó là thiền sư Tăng Hội và thiền sư Huệ Thắng. Đồng thời, trước khi những thiền sư Trung Hoa đến truyền bá thiền học ở Việt Nam thì ở Việt Nam đã có một nền thiền học hưng thịnh của chính mình.
Qua những con người Việt Nam uyên thâm, lỗi lạc này và qua sự nghiệp hoằng pháp của họ ở Trung Hoa ta thấy được sự siêu việt của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và của nền văn hóa Việt Nam nói chung. Sự siêu việt này lại càng đáng khâm phục và tự hào hơn nữa nếu ta biết được tình cảnh bị đô hộ áp bức và đồng hóa trong khuôn mẫu của nền văn hóa Hán tộc mà nước ta phải chịu đựng thời ấy. Bị kềm kẹp trong xích xiềng đô hộ của Trung Hoa, bị nghiền nát trong nền văn hóa Trung Hoa suốt hàng thế kỷ thế mà dân tộc ta vẫn sinh ra được những người con ưu tú lỗi lạc, không những không bị Trung Hoa đồng hóa mà còn tiếp thu một cách nhuần nhuyễn những tinh hoa của văn hóa Ấn Độ, Phật giáo, để đến Trung Hoa khai thị, giáo hóa cho vua quan và trí thức Trung Hoa. Thật là một điều vẻ vang cho Giao Châu, quê hương xa xưa của chúng ta, nơi tụ hội của hai nền văn hóa Hoa Ấn, và ngã tư tiếp thu, đãi lọc và tổng hợp của văn minh nhân loại.
Sau khi nhà Ngô mất, nhà Tấn lên nắm quyền ở Tàu và đồng thời cai trị Giao Châu. Nhà Tấn mất, nhà Tề, Lương, Tống kế tiếp nhau thống trị Trung Hoa và thi hành chính sách đô hộ, áp bức và đồng hóa Giao Châu, nhưng không một lúc giặc phương bắc được ăn ngon ngủ yên trên tổ quốc ta.
Khi phong trào khởi nghĩa của bà Triệu bị đánh tan, tại miền nam quận Cửu Chân dân chúng vẫn tiếp tục kháng chiến chống quân xâm lăng và giữ được quyền tự trị cho đến cuối thế kỷ thứ ba. Sang thế kỷ thứ tư, Triệu Chí nổi lên ở quận Cửu Chân, đánh đuổi thái thú quận Cửu Chân và chiếm giữ quận. Sau Triệu Chí, Triệu Ông Lý đứng lên khởi nghĩa cũng ở Cửu Chân và đánh tan chính quyền đô hộ ở đó, giành quyền tự trị và xây thành lũy ở Cao Xá, hùng cứ vùng Diễn Châu, Nghệ An. Quân xâm lăng kéo đến đàn áp nhưng bị quân khởi nghĩa dùng du kích chiến đánh bại, chúng phải rút về.
Tới giữa thế kỷ thứ năm, Lý Trường Nhân khởi nghĩa ở quận Giao Chỉ và phát động phong trào kháng chiến khắp cả nước, đánh tan rã chính quyền đô hộ. Tháng tư năm 468 quân cách mạng tiến vào thành Long Biên thành lập chính quyền độc lập và giữ được nền độc lập trong suốt 18 năm trời.
Tất cả phong trào khởi nghĩa trong thế kỷ thứ tư và thứ năm đều bị quân xâm lăng đàn áp và dập tắt. Giòng vận động cách mạng giải phóng đất nước của dân tộc ta phải đợi đến thế kỷ thứ sáu mới thành tựu vinh quang trong cuộc khởi nghĩa quy mô của Lý Bôn.
Lý Bôn phất cờ khởi nghĩa năm 541 và quy tụ được tất cả những lực lượng kháng chiến ở trong nước. Chỉ ba tháng sau khi phát động chiến tranh giải phóng, nghĩa quân đã tiêu diệt được chính quyền đô hộ, thu phục toàn bộ Giao Châu và tiến vào thành Long Biên đánh chiếm đại bản doanh của quân giặc, tên đầu sỏ là thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ chạy trốn về Tàu.
Năm 542 nhà Lương phái đại quân đến phản công nhưng bị quân ta đánh tan rã ngay ở điểm xuất quân của chúng. Sang năm 543 nhà Lương lại xua quân sang phản công nhưng mới kéo đến Hợp Phố đã bị quân ta đánh cho đại bại, quân giặc hoàn toàn tan vỡ. Cùng năm đó quân Champa ở phía nam nước ta thừa dịp đại quân ta đang ở biên giới Hoa Việt đã tràn qua cướp phá. Lý Bôn phái lão tướng Phạm Tu thần tốc kéo quân vào nam, đánh tan quân Champa và đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Sau năm năm chiến đấu và chiến thắng liên tục vừa tiêu diệt những đạo quân đô hộ ở trong nước và đánh tan những đạo quân xâm lăng của đế quốc phương bắc, vừa đánh đuổi những đạo quân xâm lăng ở phương nam, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lý Bôn đã hoàn toàn thắng lợi. Ngọn cờ tự do, độc lập lại tung bay phất phới trên tổ quốc ta suốt 60 năm trời sau sáu thế kỷ nô lệ.
Tháng giêng năm 544, Lý Bôn lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lấy tên nước là Vạn Xuân, xây điện lớn Vạn Thọ, lập chùa lớn Khai Quốc. Việc đặt tên nước là Vạn Xuân đã nói lên được sự siêu việt huy hoàng của tư tưởng và văn hóa Việt Nam vào thời đó và đã nói lên mơ ước của người xưa là mong cho đất nước ta sẽ muôn đời tươi sáng, đẹp đẽ như mùa xuân. Đồng thời việc vua Lý Nam Đế vừa giành được độc lập đã dựng chùa lớn với tên là Khai Quốc đã nói lên được công nghiệp của Phật giáo đối với dân tộc, vừa là yếu tố liên kết nhân tâm và vận động quần chúng, vừa là chủ lực văn hóa và chính trị của một quốc gia Việt Nam tự do, ngay từ thế kỷ thứ 6, qua triều đại độc lập đầu tiên của dân tộc sau 600 năm lệ thuộc. Phật giáo không những đã ở trong lòng dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc. Ta có thể nói ngay từ thời này Phật giáo đã được vua Lý Nam Đế và quốc dân coi như quốc giáo chỉ đạo chính sách quốc gia và đời sống xã hội. Từ đêm dài Bắc thuộc, dân tộc ta đã tuyệt vời đứng lên để dựng nước Vạn Xuân và dựng chùa Khai Quốc chẳng khác gì từ bùn đen tăm tối ô nhục đã rực rỡ nở tung hoa tự do độc lập và hoa chánh pháp.
Trước dã tâm xâm lăng của phương Bắc dân tộc ta không những phải giành tự do độc lập bằng máu mà còn phải giữ bằng máu. Năm 545 nhà Lương ở Trung Hoa lại gửi một đạo quân qua xâm lăng nước ta lần thứ ba. Quân ta và quân giặc đã đánh nhau kịch liệt suốt các năm 545, 546, 547. Mặc dù quân giặc đã chiếm được nhiều đất đai nhưng Lý Bôn và quân dân ta vẫn tiếp tục cuộc kháng chiến tự vệ một cách oanh liệt. Năm 548 Lý Nam Đế mất tại động Khuất Lão (Tuyên Quang), các tướng sĩ liền tôn Triệu Quang Phục lên làm Triệu Việt Vương để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Triệu Quang Phục lấy đầm Dạ Trạch (Hải Hưng) làm chiến khu kháng chiến và đánh giặc bằng du kích chiến suốt năm
năm trời. Đến năm 550 ở Trung Hoa có nội loạn, lợi dụng tình thế thuận lợi đó, Triệu Quang Phục tung hết toàn lực tổng phản công quân giặc, tiêu diệt chúng và giành lại nền độc lập tự chủ. Triệu Quang Phục làm vua được hơn 20 năm. Năm 571 Lý Phật Tử, một tôn thất của Lý Nam Đế đã dấy quân bất ngờ đánh Triệu Quang Phục và lên ngôi trị vì được gần 30 năm.
Sang thế kỷ thứ 7, nhà Tùy đã thống nhất Trung Hoa. Năm 603 chúng đem quân xâm lăng nước ta. Quân ta chống cự kịch liệt nhưng bị đánh tan, Lý Phật Tử bị giặc bắt trong thành Cổ Loa. Thế là nền độc lập tự chủ vừa giành lại được từ năm 544 đến năm 603 là chấm dứt. Chính quyền đô hộ tàn độc của đế quốc Trung Hoa lại được tái lập trên đất nước ta. Nhưng dù vậy, ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn không bao giờ tắt trên quê hương Việt Nam anh hùng.
Năm 608, nhà Đường lên cầm quyền ở Trung Hoa và nước ta trở thành quận huyện của nhà Đường. Trung Hoa dưới triều đại nhà Đường là một đế quốc hưng thịnh, hùng cường nhất. Chúng thi hành chiến tranh xâm lăng đánh chiếm và nô dịch tất cả các dân tộc láng giềng ở khắp bốn phương. Phía đông đánh chiếm Triều Tiên lập thành An Đông đô hộ phủ, phía tây đánh chiếm Tây Tạng lập thành An Tây đô hộ phủ, phía bắc đánh chiếm Mông Cổ, Đột Quyết lập thành An Bắc đô hộ phủ và phía nam đánh chiếm nước ta lập thành An Nam đô hộ phủ. Nhưng trước một quân thù lớn mạnh như vậy dân tộc ta không hề sợ hãi và không ngừng đứng lên bứt xiềng nô lệ.
Năm 687 Lý Tự Tiên nổi dậy ở vùng núi Di Lão bị quan đô hộ Lưu Diên Hựu đem quân đến đánh dẹp và giết chết. Chíến hữu của ông là Đinh Kiên tiếp tục cuộc kháng chiến và tiến vây thành Tống Bình (Hà Nội) phá được thành và giết chết Lưu Diên Hựu nhưng rồi bị viện binh từ Tàu kéo sang đánh tan.
Năm 722 một cuộc khởi nghĩa lớn bùng nổ và làm chấn động cả đế quốc Trung Hoa, đó là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Mai Thúc Loan là “người có chí lớn, đầu hổ, mắt rồng, tay vượn, dũng cảm, đa tài, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của người ta.” Ông nổi dậy và được sự hưởng ứng của nhân dân vùng châu Hoan, Diên, Ái (Thanh Nghệ Tĩnh). Ông còn liên kết với các tù trưởng của các sắc tộc thiểu số và với các nước Cham pa, Chân Lạp. Sau khi đánh chiếm được châu Hoan, ông được tôn xưng là Mai Hắc Đế, nhân dân cả 32 châu đều quy phục và nghĩa quân đông đến mấy chục vạn người. Từ châu Hoan, ông lãnh đạo nghĩa quân tiến ra bắc, vũ bão đập tan chính quyền đô hộ, giành lại hoàn toàn nền độc lập tự chủ. Đế quốc nhà Đường sai tướng Dương Tư Húc đem 10 vạn quân sang đàn áp. Quân xâm lăng đánh tan được nghĩa quân, tàn sát dã man hàng chục ngàn người, chất xác dân ta thành gò cao… Trong biển máu ấy, lửa đấu tranh của nhân dân ta càng bốc cháy ngùn ngụt.
Năm 767, Phùng Hoan, người có sức khỏe “vật ngã trâu và tay không bắt hổ” giương cao cờ đại nghĩa, cùng nhân dân nổi lên chiếm giữ châu Đường Lâm và kéo quân tấn công thành Tống Bình, phá tan quân đô hộ giành lại chủ quyền trên toàn quốc. Dân chúng yêu thương, kính phục người anh hùng cứu quốc như cha mẹ nên đã tôn ông làm Bố Cái Đại vương. Năm 791 đế quốc nhà Đường sai tướng Triệu Xương đem đại quân qua đàn áp, nghĩa quân chống không nổi phải rút vào rừng núi kháng chiến rồi lần lượt tan rã. Sau 25 năm sống trong tự do, dân tộc ta lại phải rơi vào vòng nô lệ của đế quốc phương Bắc.
Vào đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường hấp hối, giặc giã nổi lên bốn phương, lợi dụng cơ hội quý báu đó năm năm 906, Khúc Thừa Dụ nổi lên lãnh đạo dân chúng đánh đuổi quân Tàu về nước. Sau khi giành lại nền tự chủ trên khắp cả nước, để tránh can qua với Trung Hoa ông đã khôn ngoan cho người sang
cầu phong. Nhà Đường đang lúc suy yếu bất đắc dĩ phải phong cho ông làm Tiết độ sứ. Nhờ vậy nước ta được yên ổn trong 25 năm.
Năm 930 quân Tàu dưới triều đại Nam Hán lại kéo đại quân qua xâm lăng nước ta. Chúng đánh tan được chính quyền tự chủ của họ Khúc nhưng một vị tướng lãnh của họ Khúc là Dương Đình Nghệ thâu góp tàn quân quyết liệt kháng chiến đến cùng. Chỉ với 3000 nghĩa quân ông đã đánh tan đại quân Nam Hán và chiếm lại thành Đại La (Hà Nội). Nhà Nam Hán sai tướng Trần Bảo đem binh sang tiếp viện nhưng cũng bị nghĩa quân tiêu diệt hoàn toàn, tướng giặc Trần Bảo bị giết ngay tại trận. Năm 931 nước ta lại giành được quyền độc lập. Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ và cầm quyền được 6 năm. Đến năm 937, một tướng của ông là Kiều Công Tiễn đem lòng phản trắc, giết ông để cướp quyền Tiết độ sứ. Nghe tin chủ tướng bị giết, Ngô Quyền, một tướng lãnh tài ba đã theo Dương Đình Nghệ từ thuở mới dấy nghiệp, được tin yêu và được Dương Đình Nghệ gả con gái cho ông, liền cấp tốc kéo quân từ châu Ái (Thanh Hóa) ra bắc trị tội tên phản bội. Biết sức chống cự không nổi nên Kiều Công Tiễn đã đê hèn cầu cứu quân Tàu. Vua Nam Hán Lưu Cung liền phong cho con là thái tử Hoằng Thao làm Giao Vương (vua Giao Châu) cầm đại quân sang xâm lăng nước ta.
Khi quân Nam Hán còn đang ngấp nghé ở ngoài cửa biển thì Ngô Quyền đã chớp nhoáng đánh tan quân Kiều Công Tiễn, chém đầu tên phản chủ và phản quốc này và mưu trí chuẩn bị một cuộc thư hùng với quân xâm lăng.
Ngô Quyền là một người phi thường. Ông “vẻ mặt khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, trí dũng hơn người, sức có thể cầm vạc dơ lên”. Sau khi dẹp xong nội loạn, ông liền kéo quân ra trận để đương đầu với giặc ngoại xâm. Ông đã nói với các tướng sĩ rằng: “Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi, quân ta sức còn mạnh, địch với quân mệt mỏi tất phá được. Song, họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết trước được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển vát nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân lúc nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế nào hơn kế ấy cả.”
Nắm vững đường tiến quân của giặc từ ngoài biển vào, Ngô Quyền sai quân dân chế tạo cọc nhọn bịt sắt rồi đem cắm đầy lòng sông Bạch Đằng và bố trí đại quân mai phục hai bên bờ sông. Hoằng Thao đem thủy binh ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, thủy quân ta giả vờ thua chạy, quân giặc đắc chí đuổi theo, vượt qua trận địa ngầm mai phục của ta. Đợi lúc thủy triều rút xuống mạnh, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân quyết liệt phản công, dồn giặc vào trận địa ngầm, thuyền giặc đâm vào những cọc sắt, vỡ tung ra. Quân ta xung phong vào chém giết kịch liệt. Thây giặc trôi đầy giữa sông, máu giặc đỏ ngầu mặt nước. 1000 năm nô lệ nhục nhã được rửa sạch trong một ngày. Hoằng Thao bị giết ngay tại trận, quân giặc hoàn toàn bị tiêu diệt. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con, nửa đường nghe tin Hoằng Thao đã chết, thủy quân đã thảm bại, y hoảng hồn mất vía chạy về Tàu và từ đó bỏ mộng xâm lăng.
Dưới sự lãnh đạo thiên tài của anh hùng Ngô Quyền, quân dân ta đánh cho đế quốc phương Bắc một đòn chí tử. Chiến thắng oanh liệt, tuyệt vời của quân dân ta trên sông Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc, kết thúc hoàn toàn thời kỳ nô lệ tối tăm kéo dài dằng dặc hơn 1000 năm. Đồng thời đã chấm dứt, chấm dứt vẻ vang cuộc đấu tranh cách mạng không bao giờ ngừng của dân tộc ta trong suốt 10 thế kỷ. Dân tộc ta, bằng máu chiến đấu hy sinh vô bờ bến, bằng hoa trí tuệ siêu việt và bằng sự đoàn
kết muôn triệu người như một, đã giành lại, giành lại trọn vẹn núi sông gấm vóc và nền tự do, độc lập linh thiêng.
Từ chiến thắng lịch sử Bạch Đằng lẫy lừng này, từ nền độc lập tự chủ này, dân tộc ta hiên ngang, tự hào bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dựng nước huy hoàng trong cảnh tự do, thanh bình, kỷ nguyên phát triển rực rỡ của những triều đại độc lập vinh quang.
Đất nước được giải phóng không những khai mở tiềm lực dựng nước lớn lao của dân tộc ta mà còn khai mở tiềm lực dựng nước vĩ đại của Phật giáo Việt Nam. Sở trường của Phật giáo là dựng nước, chứ không phải là cứu nước, sự đóng góp quan trọng của Phật giáo là đóng góp trên lĩnh vực tâm linh, tinh thần, văn hóa và xã hội chứ không phải là đóng góp trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên, khi được chính quyền độc lập và quốc dân tin yêu và tín nhiệm để lấy Phật giáo làm chủ lực tinh thần cho công cuộc dựng nước và làm chủ đạo cho chính sách trị quốc thì hẳn nhiên trong thời gian tăm tối, gian nan của dân tộc, Phật giáo chắc chắn đã đóng góp rất tích cực cho đại nghĩa giải phóng dân tộc và đã dâng hiến rất nhiều máu xương cho những phong trào kháng chiến chống ngoại xâm.
Trong thời kỳ bắc thuộc, từ thế kỷ thứ 6 trở đi nước ta tiếp thu nền Phật giáo thiền tông đến từ Trung Hoa và làm cho phong phú hơn nữa nền thiền học vốn đã có từ trước. Năm 580 thiền sư Tỷ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ từ Trung Hoa đến nước ta và thành lập một thiền phái mang tên ông. Năm 820 thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Hoa đến hoằng pháp ở nước ta và thành lập một thiền phái khác mang tên thiền phái Vô Ngôn Thông. Nhưng trong thời gian này, nước ta cũng có những vị cao tăng tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp của Khương Tăng Hội, Huệ Thắng, đã đến tận kinh đô của Trung Hoa để rao giảng Phật pháp cho vua quan và trí thức của “thiên triều”, đó là thiền sư Duy Giám và pháp sư Phụng Đình. Hai vị cao tăng này đã được vua Đường mời sang giảng kinh trong cung điện. Thi sĩ Trung Hoa Dương Cư Nguyên cuối thế kỷ thứ 7 có làm một bài thơ tiễn pháp sư Phụng Đình về nước như sau:
Cố hương Nam Việt ấy
Ngàn dặm mây trắng bay
Cửa trời vắng kinh kệ
Biển rộng hướng hoa đầy
Bóng cò in sóng bạc
Thành quách lung linh xây
Trường An lòng tưởng nhớ
Giao Châu chuộng canh chày
Thi sĩ Trung Hoa Giả Đào cũng có làm một bài thơ tiễn thiền sư Duy Giám:
Giảng kinh nơi cung điện
Vườn ngự hoa xuân bay
Xa quê từ mấy độ
Núi cũ về từ nay
Mưa sa dầm áo bạc
Gió táp án hương phai
Biển vắng như thế đó
Tin tức làm sao hay
Ngoài ra nước ta cũng có những vị cao tăng ẩn dật nhưng tiếng tăm vẫn vang xa đến tận Trung Hoa, đến nỗi không những trong chốn thiền môn mà ngay cả giới trí thức Trung Hoa cũng biết tiếng và lặn lội ngàn dặm để đến thăm như thiền sư Vô Ngại. Thi sĩ Trung Hoa Thẩm Thuyền Kỳ đầu thế kỷ thứ 8 có qua Việt Nam chơi và tìm đến thăm thiền sư Vô Ngại ở chùa Sơn Tịnh, quận Cửu Chân. Thi sĩ tôn thiền sư là thương sĩ (bồ tát) và làm tặng thiền sư một bài thơ ca ngợi thiền sư là hóa thân của Phật, tự xưng mình là đệ tử và tỏ ý hối tiếc là chưa được học Phật pháp thâm sâu để cùng thiền sư đàm đạo:
Phật xưa sanh Thiên Trúc
Nay hóa thân Nhật Nam
Vòng não phiền ra khỏi
Dưới núi vùng Già Lam
Khe suối thơm là cảnh
Đá non cao là am
Chim xanh tập thiền định
Vượn trắng nghe giảng đàm
Vách đá dây mây quấn
Mặc đầm hoa leo thang
Theo suối vào bóng mát
Giặt áo phơi rừng hương
Đệ tử hận mình dở
Phật pháp chưa am tường
Qua khe hồ nhìn lại
Dưới cây sương khói lam
Thi sĩ Trung Hoa Trương Tịch cũng có làm một bài thơ rất siêu thoát và dễ thương tặng một vị sư vô danh người quận Nhật Nam:
Ở mãi mấy ngọn núi
Hai cánh cửa thông gài
Viết kinh trên lá chuối
Treo áo rụng hoa may
Đục đá khơi giếng mới
Xuyên rừng trồng cây đay
Nếu gặp người Nam Hải
Líu lường hỏi nhà ai
Trong thời ấy ở nước ta cũng có nhiều tăng sĩ đi du học tận Ấn Độ, Trung Hoa như các pháp sư Vân Kỳ, ông thông thạo cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán và đã từng đến Nam Dương, đi Ấn Độ, qua Trung Hoa, pháp sư Giải Thoát Thiên và pháp sư Khuy Sung đã từng tham bái Bồ Đề đạo tràng ở Ấn Độ, pháp sư Huệ Diệm đi tu học ở Tích Lan, pháp sư Trí Hành đi tham bái tất cả các Phật tích ở Ấn Độ, thiền sư Đại Thừa Đăng xuất gia ở Ấn Độ nhưng lại thọ giới tỳ kheo với pháp sư Huyền Trang ở Trường An, Trung Hoa rồi về lại Giao Châu rồi lại đi Tích Lan, Ấn Độ. Chính những tăng sĩ này là những người đầu tiên ở
Giao Châu đã đi xa trên những phương trời thế giới. Sự kiện các tăng sĩ Việt Nam vân du ở Ấn Độ, Tích Lan, Nam Dương, Trung Hoa để tu học và hoằng pháp là một sự kiện vô cùng quan trọng và có ích lợi lớn không những cho đạo Phật Việt mà còn cho dân tộc Việt. Bởi vì nước ta thời ấy bị Trung Hoa cai trị rất khắc nghiệt, chúng thi hành chính sách ngu dân, kìm hãm dân ta trong vòng thất học, mù chữ, ngu tối và ngăn chận sự phát triển của học thuật, tư tưởng và văn hóa Việt Nam nên nhân tài, trí thức nước ta rất hiếm hoi. Cả một ngàn năm Bắc thuộc chẳng có mấy người lỗi lạc, để lại trước tác gì cho đời, có chăng là những tăng sĩ, xuất thân từ chốn thiền môn. Cũng vì vậy nên khi giành lại độc lập tự chủ, việc chính trị, ngoại giao, hành chính và công cuộc dựng nước không có người tài giỏi đứng ra cáng đáng thi hành. May mắn thay, trong giai đoạn phôi thai khó khăn đó chốn thiền môn không những là nơi nhen nhúm, nuôi dưỡng ý thức dân tộc mà còn là nơi cung cấp cho quốc gia những nhà trí thức có cả tài ba lẫn đạo đức để trị nước và dựng nước, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cho những vị minh quân xây dựng những triều đại nhân từ và hưng thịnh nhất trong lịch sử dân tộc. Điều này được thấy rõ nhất trong các triều Đinh, Lê, Lý, Trần.
NHÀ NGÔ, ĐINH, LÊ (938 – 1009)
Sau khi đánh thắng vẻ vang đế quốc phương bắc mùa xuân năm 939 Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ và tự xưng vương. Ông đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô ngày xưa của người Âu Lạc dưới triều An Dương Vương. Năm 944, chỉ 5 năm sau, khi chưa có thì giờ để làm được gì quan trọng, ông đã mất sớm. Trong triều xảy ra cảnh tranh giành ngôi vua nên chính quyền trung ương chỉ mới được thiết lập một cách mong manh, trở nên suy yếu và cuối cùng tan rã. Những thế lực phong kiến nổi lên đánh giết lẫn nhau tạo thành cảnh nội chiến trong đó 12 sứ quân mỗi người hùng cứ một phương. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn này kéo dài suốt 20 năm, đất nước điêu linh, nhân dân lầm than vô cùng. Mãi đến năm 967, Đinh Bộ Lĩnh mới đánh dẹp hết các sứ quân và thống nhất sơn hà về một mối. Ông được tôn làm Vạn Thắng Vương. Năm 968 ông lên ngôi hoàng đế tức Đinh Tiên hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, đóng đô ở quê nhà là Hoa Lư. Năm 941 vua Đinh Tiên Hoàng ban chức tăng thống cho thiền sư Ngô Chân Lưu. Có thể nói chính trừ triều đại độc lập nhà Đinh mà quốc gia Việt Nam đã chính thức chọn Phật giáo làm quốc giáo và lấy Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tinh thần cho quốc gia. Tiếc rằng chỉ hai năm sau đó, vua Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị tên Đồ Thích ám hại. Con thứ là Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên ngôi, quyền hành đều nằm cả trong tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Lê Hoàn là một vị tướng đại tài và là một nhân vật chính trị lỗi lạc. Năm 967 khi chỉ mới 26 tuổi, ông đã cầm 8000 quân đánh tan đạo quân của sứ quân Nguyễn Siêu ở Hà Nội. Năm 968 ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm thập đạo tướng quân, chức tước của một vị tổng tư lệnh quân đội, khi đó ông chỉ mới 27 tuổi. Khi vua Đinh Tiên Hoàng bị giết, ông là người có thế lực và uy tín nhất triều đình, mọi người đều cảm mến và tâm phục.
Lúc bấy giờ nhà Tống đã thống nhất Trung Hoa và xây dựng Trung Hoa thành một đế quốc hùng mạnh nhất Á châu. Tiếp nối truyền thống xâm lăng ăn cướp của các triều đại trước, nhà Tống chuẩn bị xâm lăng nước ta ; Tháng 7/980 triều đình nhà Tống quyết định “xuất ký bất ý” đem quân đánh úp, quân dân ta sẽ như sét đánh không kịp bịt tai tất phải thua. Tháng 8/980 vua Tống ra lệnh cho các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng, Lưu Trung, Giả Thục… họp quân bốn mặt hẹn ngày cùng sang xâm lăng. Khí thế giặc rất hung hăng đắc chí. Tháng 9/980 nghĩa là một tháng sau khi phát quân xâm lăng nước ta vua Tống sai người đem sang cho vua ta một bức tối hậu thư, lời lẽ vô cùng hỗn láo, thô
bỉ, ngạo mạn và khát máu một cách man rợ, diễn tả trung thực bản chất võ biền, hiếu chiến, đạo đức giả của một bọn cầm thú cực kỳ tàn độc, thâm hiểm. Hắn viết rằng:
“Nay thánh triều ta lòng nhân trùm muôn nước cơ nghiệp thái bình kể cũng đã thịnh, điều lệ phân phong đã sắp sửa làm, mong ngươi đến chầu cho ta được vui khỏe, để ngươi khỏi cái tủi úp mặt vào góc nhà mà làm rầy cho ta khiến ta phải dùng đến kế chặt xác bằm xương, làm cỏ nước ngươi, lúc ấy hối sao kịp nữa…
Ngươi có theo về không? Chớ rước lấy tội lỗi. Ta đương chỉnh bị xe ngựa, quân lính, sắp sửa các thứ chiêng trống. Nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái mệnh thì ta quyết đánh. Theo hay không, lành hay dữ, tự ngươi nghĩ lấy.”
Mặc cho quân thù gian ác hăm dọa, quân dân ta vẫn không sợ hãi và như bao lần trong quá khứ đã trả lời chúng bằng cách lên đường ra trận quyết chiến quyết thắng.
Lê Hoàn, tổng tư lệnh quân đội ta, liền huy động quân sĩ, định kế hoạch đánh địch. Trước buổi xuất quân, đại tướng Phạm Cự Lang cùng các tướng lĩnh trong áo trận oai phong đã tiến thẳng vào triều nói lớn: “Nay chúa thượng trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống giặc may lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hết hãy tôn thập đạo tướng quân làm thiên tử rồi sau sẽ đem quân đi đánh giặc.” Quân sĩ nghe nói muôn người đồng tung hô “vạn tuế” và các triều thần kể cả Dương Thái Hậu, mẹ của vua Đinh Tuệ đều hoan nghênh, vui lòng quy phục. Trước sự ủng hộ nhiệt liệt của ba quân và triều đình, Lê Hoàn lên ngôi hiệu là Đại Hành Hoàng Đế rồi dẫn đại quân tiến ra trận. Khí thế chiến đấu của quân dân ta vô cùng mãnh liệt, toàn quân hăng hái liều chết đi ra chiến trường và chỉ trong một thời gian ngắn, “ba, bảy ngày” như lời tiên đoán của thiền sư Vạn Hạnh đã nói với vua Lê Đại Hành, quân ta đã chớp nhoáng đánh tan quân xâm lăng. Thủy quân giặc vừa tiến vào sông Bạch Đằng đã bị thủy quân ta chặn đánh kịch liệt và đuổi chúng chạy dài về Tàu. Lục quân của giặc vừa kéo đến ải Chi Lăng đã bị phục binh ta đổ ra tốc quyết tiêu diệt giặc, tướng giặc là Hồ Nhân Bảo bị giết ngay tại trận, đạo tiền quân của giặc bị diệt sạch, đám hậu quân giặc nghe tin quân ở hai mặt đã tan vỡ hoảng sợ phải rút chạy về Tàu. Đạo quân thứ ba theo đường biển đổ bộ vào Tây Kết bị toàn quân ta tập trung toàn lực đánh phủ đầu. Đạo quân này “chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng.” Thế là toàn bộ quân xâm lăng đã bị quân dân ta dũng mãnh, thần tốc đánh tan tành, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Trận chiến thắng oanh liệt này là sự nghiệp của toàn thể quân dân mà công đầu là tài cầm quân mưu lược siêu việt của vua Lê Đại Hành và trong đó Phật giáo cũng đã đóng một vai trò quan trọng. Sử ghi là trong việc tôn xưng Lê Hoàn lên làm hoàng đế, tăng thống Ngô Chân Lưu là người đã chỉ đạo và điều hợp cuộc đảo chánh tuyệt đẹp này, mặt khác, khi quân giặc kéo đến xâm lăng, vua Lê Đại Hành có triệu thỉnh thiền sư Vạn Hạnh đến để hỏi ý kiến, thiền sư đã trả lời là “nội trong ba, bảy ngày giặc phải tan” và quả đã xảy ra đúng như vậy. Biết trước sẽ thắng, biết trong mấy ngày thì sẽ thắng, chắc chắn thiền sư Vạn Hạnh cũng đã biết và đã nói cho vua Lê Đại Hành biết làm cách nào, đánh như thế nào để đảm bảo sự tất thắng trong một thời gian kỷ lục “ba, bảy ngày.”
Bằng chiến thắng thần kỳ này, vua Lê Đại Hành rất xứng đáng là người đại diện cho dân tộc ta để đóng lại cánh cửa quá khứ, quá khứ nô lệ, nhục nhã của 1000 năm đầu tiên sau CN, nhưng chính các thiền sư, tiêu biểu là thiền sư Ngô Chân Lưu và thiền sư Vạn Hạnh mới là người mở ra cánh cửa tương lai, tương lai hưng thịnh và vinh quang cho dân tộc ta trong suốt các thế kỷ 11, 12, 13 và 14.
Sự nghiệp giữ nước và dựng nước của Phật giáo trong buổi đầu tái tạo đất nước chắc hẳn phải rất lớn lao nên vua Lê Đại Hành mới phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu, người đã được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm tăng thống, danh hiệu Khuôn Việt thái sư, nghĩa là thái sư “giúp nước Việt”. Khuôn Việt thái sư chính là cố vấn chính trị tối cao của vua Lê Đại Hành. Sách Thiền Uyển Tập Anh ghi rằng: “vua Lê Đại Hành rất kính trọng ngài, phàm những việc quân quốc trong triều đều đưa cho ngài cả.” Năm 986 khi sứ Tống là Lý Giác qua nước ta vua Lê Đại Hành nhờ Khuôn Việt thiền sư tiếp sứ ở kinh đô và nhờ một thiền sư khác là thiền sư Pháp Thuận giả làm người lái đò đón sứ Tàu. Thiền sư Pháp Thuận là một vị cao tăng, đạo hạnh và tài ba tuyệt vời, chính ông cùng với thiền sư Khuôn Việt đã dùng nghệ thuật phù sấm để giúp Lê Hoàn nắm lấy quyền bính trong cuộc đảo chánh ôn hòa năm 980. Sách Thiền Uyển Tập Anh tán dương ông “là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật và thi ca, có tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu về tình hình thực tại của đất nước.” Công nghiệp của thiền sư đối với vua Lê Đại Hành và đất nước ta dưới triều đại độc lập nhà Lê là: “trong buổi đầu sáng nghiệp của triều Lê, ông có công trù tính và quyết định chính sách và kế hoạch, nhưng khi thiên hạ đã thái bình rồi thì không chịu phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên chỉ xưng hô là Đô Pháp Sư mà thôi.”
Khi thiền sư Đô Pháp Thuận giả làm người lái đò đưa sứ Tàu qua sông, thuyền đang đi, bỗng sứ giả nhà Tống thấy đôi bạch nga đang bơi liền ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời)
Thiền sư Pháp Thuận liền nối vần theo:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bái thanh ba
(Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi)
Lý Giác rất thán phục. Sau khi đón tiếp sứ Tàu ở kinh đô, vua Lê Đại Hành có nhờ thiền sư Khuôn Việt làm một bài thơ tiễn sứ. Đây là bài thơ của thiền sư Khuôn Việt:
Trời xanh gió thuận gấm buồm giương
Thần tiên về cố hương
Hành trình vạn lý biển mênh mang
Xa xôi hút dặm đường
Lòng càng quyến luyến chén chưa tàn
Cầm tay nhau thở than
Xin đem thâm ý của Nam bang
Bày tỏ với thượng hoàng.
Sau này đại học giả Lê Quý Đôn đã có thơ truy táng hai vị thiền sư như sau
Câu thơ Pháp Thuận sứ Tống khen hay
Bài ca Chân Lưu nổi danh một thuở.
Được đón tiếp thân tình và rất ngoạn mục bởi những nhà ngoại giao siêu việt này, sứ Tàu bị chinh phục hoàn toàn. Khi về Tàu, Lý Giác có làm một bài thơ tán dương nước ta và vua ta như sau:
May gặp minh quân giúp việc làm
Một mình hai lượt sứ miền nam
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm
Ngựa đạp mây bay qua suối đá
Xe vòng núi chạy tới giòng lam
Ngoài trời lại có trời soi sáng
Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm
(Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khe đầm ba tịnh kiến thiềm thu)
Ý nói ngoài vua (bầu trời) Trung Hoa lại còn có vua (bầu trời) khác, đó là vua nước ta. Như vậy nhờ tài ngoại giao xuất sắc của các thiền sư, sứ giả Trung Hoa phải công nhận nền độc lập, chủ quyền và sự bình đẳng giữa hai nước. Điều này mãi đến một thế kỷ sau mới được đại tướng Lý Thường Kiệt tuyên dương qua bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, đó là bài thơ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, được viết trong năm 1076 trong một thời đại hưng thịnh nhất của dân tộc và phật giáo.
Trong các triều đại Đinh – Lê với hai vị minh quân Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành ta thấy các thiền sư vừa là những nhà cố vấn chính trị, quân sự cho nhà vua, vừa là những nhà văn hóa, ngoại giao của quốc gia. Tuy nhiên, trong các triều đại này, vì chiến tranh xẩy ra luôn, vì các vị minh quân và các triều đại tồn tại quá ngắn ngủi, lại đượng lúc nước ta mới vượt thoát khỏi lò luyện thép của đế quốc phương Bắc, mọi việc đều phải bắt đầu lại như thuở mới khai quốc nên trong các triều đại Đinh, Lê tuy các thiền sư được trọng vọng nhưng Phật giáo vẫn chưa thể thi thố hết khả năng và tiềm lực dựng nước của mình. Mặc khác, sự nghiệp xây dựng một quốc gia hưng thịnh, vinh quang theo chánh pháp là một sự nghiệp vĩ đại phải chờ sự xuất hiện của một vĩ nhân và của một đại nhân duyên mới thành tựu nổi. Vĩ nhân đó là thiền sư Vạn Hạnh và đại nhân duyên đó là triều đại Phật giáo nhà Lý.
NHÀ LÝ (1010 – 1225)
LÝ THÁI TỔ (1010 – 1028)
Vua Lê Đại Hành làm vua được 25 năm thì mất vào năm 1005. Ngay sau đó xảy ra tình trạng tranh chấp xâu xé, chém giết lẫn nhau giữa các hoàng tử, con đầu là Lê Long Việt lên làm vua được ba ngày thì bị con thứ là Lê Long Đĩnh giết chết để cướp ngôi vua. Lê Long Đĩnh là một ông vua vô cùng tàn ác, bạo ngược lại hoang dâm vô độ, không ngồi dậy nổi nên bị dân gian mỉa mai gọi là Lê Ngọa Triều. Lê Ngọa Triều làm vua được 4 năm thì mất sớm. Lúc ấy tình cảnh nước ta rất nguy ngập, bên ngoài quân Tàu chuẩn bị xâm lăng, bên trong các phe phái tranh chấp nhau kịch liệt đưa đất nước đứng trước nguy cơ vừa bị ngoại xâm vừa bị nội chiến. Chính trong tình cảnh nguy nan đó mà thiền sư Vạn Hạnh đã ra tay hành động, xoay chuyển thời thế, đổi nguy thành an, loạn thành trị và xây dựng lên một cơ đồ Việt Nam huy hoàng chưa từng có. Nhưng thiền sư Vạn Hạnh không trực tiếp ra mặt hành hoạt mà hành hoạt qua một đệ tử ưu tú, xuất chúng là Lý Công Uẩn.
Lý Công Uẩn là con nuôi của thiền sư Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp và là đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành mời làm cố vấn chính trị, thì ông theo thiền sư Vạn Hạnh vào kinh đô của nước ta thời ấy là Hoa Lư làm quan với nhà Lê. Là một người tài đức vẹn toàn lại trung dũng, nhân từ khác thường nên ông thăng đến chức Điện Tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Long Đĩnh vì hoang dâm quá độ mà mất sớm thì lòng người rất oán giận, chán ghét chế độ nhà Lê, lại nhân lúc bị ngoại xâm, nội loạn đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia nên thiền sư Vạn Hạnh và mưu sĩ Đào Cam Mộc mới cùng triều thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Thuận theo lòng người, vận nước, ông lên ngôi hoàng đế hiệu là Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên dời đô về Thăng Long và khai sáng một triều đại độc lập, hưng thịnh chưa từng có trong lịch sử nước ta từ thời Hùng Vương.
Lý Công Uẩn từ thuở bé đã được nuôi dưỡng và giáo dục bởi các thiền sư thấm nhuần tinh thần từ bi, nhân bản của Phật giáo nên khi lên ngôi vua ông hết lòng hoằng dương, hỗ trợ chánh pháp và lấy chánh pháp để xây dựng quốc gia. Ông tôn thầy là thiền sư Vạn Hạnh lên làm quốc sư, chính thức coi Phật giáo là quốc giáo và lấy Phật giáo làm chủ đạo cho sinh mệnh văn hóa, chính trị của quốc gia. Chính ông là người đã có công xây dựng một triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, cũng chính nhờ vậy nên ông đã thành công trong việc kiến thiết một quốc gia Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và hưng thịnh lâu dài trong suốt 200 năm. Dưới đời vua Lý Thái Tổ, sự nghiệp tái tạo và quang phục Việt Nam được thành tựu một cách rực rỡ. Nền độc lập, hòa bình, thống nhất của quốc gia được củng cố, nền văn hóa dân tộc trở nên khởi sắc, nền chính trị trở nên nhân bản, thuần từ, nền kinh tế được phát triển mạnh mẽ, xã hội Việt Nam đi vào mùa xuân thái bình thịnh trị, yên vui chưa từng có và uy thế của nước ta lẫy lừng khắp Á châu, các nước ở phương nam như Chiêm Thành, Chân Lạp đều chịu triều cống, đế quốc phương Bắc khiếp sợ, nể nang. Mặc khác, nhà vua, triều đình và cả quốc dân vô cùng sùng kính đạo Phật, ủng hộ đạo Phật, sống và hành hoạt theo đạo Phật nên Phật giáo ở nước ta vào thời ấy là một nền Phật giáo hưng thịnh và sinh động một cách tuyệt vời. Cũng nhờ vậy nên xã hội Việt Nam thời ấy là một xã hội từ bi, nhân hậu, thái hòa, đẹp đẽ lạ lùng.
Sự nghiệp dựng nước và sự nghiệp hoằng pháp lớn nhất của vua Lý Thái Tổ là lấy Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách quốc gia và cho đời sống xã hội. Công nghiệp này vừa ích lợi lớn cho dân tộc vừa là cách hoằng dương đạo pháp một cách tích cực và thiết thực nhất. Ngoài ra, vua Lý Công Uẩn cũng đã hỗ trợ Phật pháp bằng những phương cách thông thường của một phật tử là dựng chùa, đúc tượng, thỉnh kinh.
Năm 1010 vua dựng 8 ngôi chùa lớn, năm 1019 vua cho người qua Trung Hoa thỉnh kinh. Năm 1020 lập đạo tràng và mời tăng sĩ truyền pháp ở nhiều nơi trong nước. Năm 1024 lập chùa Chân Giáo ở trong thành và mời các tăng sĩ đến tụng kinh, thuyết pháp để vua đến nghe.
Những nền tảng vững chắc của ngôi nhà lớn Việt Nam và Phật giáo được vua Lý Công Uẩn xây dựng được các vị vua kế tiếp duy trì và phát triển mạnh mẽ.
LÝ THÁI TÔN (1028 – 1054)
Năm 1028 vua Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tôn, tân vương đặt niên hiệu mới là Thiên Thanh. Vua là một vị minh quân rất sùng mộ đạo Phật. Trong đời Lý Thái Tôn, võ công, văn trị của nước ta thật là huy hoàng. Năm 1031 sau khi đánh dẹp giặc Chiêm Thành vua cho xây 95 ngôi chùa. Khi chùa làm xong vua mở quốc lễ khánh thành và miễn thuế cho dân một năm. Năm 1036 vua cho sơn lại tất cả tượng Phật ở các chùa. Khi khánh thành, vua mở quốc lễ và lại miễn
thuế cho dân một năm. Năm 1049 nhân nằm mơ thấy đức bồ tát Quan Thế Âm dẫn vua vào điện Liên Hoa nên vua cho xây điện Liên Hoa theo hình hoa sen nổi trên mặt nước để thờ Quan Thế Âm bồ tát, sau điện này được gọi là chùa Một Cột. Vua còn là đệ tử xuất sắc của thiền sư Thuyền Lão ở chùa Trung Minh. Ngoài những lúc lo việc triều chính vua chuyên cần tu học Phật pháp và thường đàm đạo học hỏi với các thiền sư nổi tiếng đương thời. Sau vua ngộ đạo và được thiền sư Thuyền Lão truyền tâm ấn.
LÝ THÁNH TÔN (1054 – 1072)
Năm 1054 thái tử Nhật Tôn lên nối ngôi vua cha tức là Lý Thánh Tôn. Vua Lý Thánh Tôn đổi quốc hiệu nước ta từ Đại Cồ Việt của thời nhà Đinh thành Đại Việt và đặt niên hiệu là Long Thụy Thái Bình.
Vua Thánh Tôn là một ông vua sùng đạo Phật và nhân từ nhất. Lòng từ bi của vua trang trải khắp nhân gian. Vua thương cả những tù nhân. Vào mùa đông 1055, trời giá rét, vua bảo các quan hầu cận rằng:
“Trẫm ở trong cung nào sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Nghĩ đến các tù nhân trong ngục, bị trói buộc khổ sở mà chưa biết phải trái ra sao ăn không đầy bụng, mặc không che thân, giá rét khổ sở, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm thật lấy làm thương. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm.”
Năm 1065 vua Thánh Tôn trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh đã chỉ vào công chúa Đông Thiên đang đứng hầu bên cạnh mà nói rằng:
“Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm, vì vậy từ rày về sau, tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi.”
Vua trị quốc một cách nhân từ, khoan dung theo tinh thần Phật giáo, vua còn tích cực hoằng dương chánh pháp. Năm 1055 vua cho xây chùa Đồng Lâm, chùa Tĩnh Lư. Năm 1056 xây chùa Sùng Khánh. Năm 1057 dựng tháp Đại Thắng Tứ Thiên 12 tầng, cao 20 trượng, cùng năm xây hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ. Năm 1057 vua sai tạc tượng A Di Đà Phật bằng đá. Năm 1058 xây điện Linh Quang, Kiên Lễ và Sùng Nghi, dựng tháp Trường Long. Năm 1071 vua tự tay viết chữ Phật cao một trượng sáu thước, khắc vào bia đá để tại núi chùa Tiêu Du.
Năm 1069 vua đi đánh dẹp Chiêm Thành thắng trận bắt được vua nước này là Chế Củ nhưng vua tha không giết. Vua cũng bắt được nhiều tù binh, một trong những tù binh đó là thiền sư Thảo Đường, người Trung Hoa qua Chiêm Thành hành đạo. Khâm phục đạo hạnh cao sâu của vị thiền sư này vua đã tôn thiền sư Thảo Đường lên làm quốc sư và mời trú trì ở chùa Khai Quốc. Thiền sư Thảo Đường thành lập thiền phái Thảo Đường, đây là thiền phái thứ ba ở nước ta, hai thiền phái đầu là thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và thiền phái Vô Ngôn Thông. Vua học đạo thiền với thiền sư Thảo Đường, sau đắc đạo và được truyền tâm pháp, trở thành vị tổ thứ hai của thiền phái Thảo Đường. Là một phật tử nhiệt thành và đồng thời là một thiền sư tổ của một thiền phái, vua đương nhiên hỗ trợ Phật giáo một cách hăng say, tích cực. Nhưng không vì thế mà vua và Phật giáo đã đi đến sự độc tài, độc tôn. Trái lại, chính vua cũng hết sức khuyến khích, nâng đỡ Nho giáo. Năm 1069 vua cho dựng văn miếu, đúc tượng Chu Công, Khổng Tử. Đây chính là phong thái muôn đời của Phật tử và Phật giáo Việt Nam. Dù sự khoan dung cởi mở khai phóng này về sau đã giúp Khổng giáo phát triển và trở thành độc tài,
độc tôn để tiêu diệt, kỳ thị, đàn áp Phật giáo và nền văn hóa dân tộc, nhưng tinh thần và thái độ cố hữu của Phật tử và Phật giáo Việt Nam là vậy, thà bị người đàn áp và giết hại chớ không thể đàn áp và giết hại bất cứ một sinh mạng hay bất cứ một tín ngưỡng, một tôn giáo nào.
LÝ NHÂN TÔN (1072 – 1127)
Năm 1072 thái tử Càn Đức lên ngôi lấy đế hiệu là Lý Nhân Tôn. Vua mới lên ngôi còn nhỏ tuổi, nhưng được thái sư Lý Đạo Thành, một đệ tử của Trí thiền sư và hoàng thái hậu là Ỷ Lan thái phi, một phật tử thuần thành, xuất thân từ chốn bình dân, hết lòng lo việc nước và tiếp nối con đường trị quốc theo chánh pháp của những tiên vương nên đời vua Lý Nhân Tôn là đời cực thịnh của Đại Việt, cực thịnh về văn trị cũng như cực thịnh về võ công. Vua vô cùng sùng kính đạo Phật, nhiệt thành hoằng dương chánh pháp nhưng đồng thời vua đã mở khoa thi tam trường (Nho, Phật, Lão), lập trường Quốc tử giám năm 1076, lập hàn lâm viện quốc gia năm 1086. Đặc biệt dưới đời vua Lý Nhân Tôn, Đại Việt ta đã thực hiện một chiến công phi thường hết sức oanh liệt, chưa từng có trước đó và cũng chưa từng có cho đến ngày nay, đó là đại tướng Lý Thường Kiệt đã thống lĩnh 10 vạn hùng binh tiến đánh vào lãnh thổ Trung Hoa trong khi Trung Hoa dưới đời nhà Tống, đang là một đế quốc hùng cường, thịnh vượng. Chiến công hay cuộc tập kích chiến lược này, cuộc hành quân Bắc phạt này đã diễn ra năm 1075 khi Trung Hoa đang âm mưu chuẩn bị xâm lăng nước ta.
Đối với Phật giáo, vua Lý Nhân Tôn hết lòng hỗ trợ và hoằng dương. Năm 1086 vua dựng chùa Lam Sơn. Năm sau vua ngự giá đi lễ Phật, nghe kinh ở chùa đó rồi thiết triều yến ở chùa. Năm 1088 vua phong cho thiền sư Khô Đầu làm đại sư đế, làm cố vấn cho nhà vua về việc chính trị quốc gia. Năm 1091 vua dựng tháp Linh Tế, năm 1105 cho sửa chùa Diên Hưu, ngày rằm, mồng một vua ngự giá đến chùa nghe tụng kinh thuyết pháp. Hoàng hậu cũng xuất của riêng lập hơn 100 ngôi chùa. Năm 1124 vua khánh thành 84000 bảo tháp, năm 1118 vua mở một kỳ hội lễ Phật lớn gọi là Thiên Phật Hội (hội một nghìn đức Phật).
LÝ THẦN TÔN (1128 – 1138)
Lý Nhân Tôn không có con nên lập con của hoàng đệ là Dung Hiền Hầu lên làm vua, hiệu là Lý Thần Tôn. Năm 1136 vua mắc bệnh lạ kỳ, tâm thần rối loạn, gầm thét như cọp và thân thể mọc lông như hổ. Các lương y trong triều đều phải bó tay. Một hôm có tiếng trẻ con vỗ tay hát:
Tập tầm vong, tập tầm vong
Có ông Nguyễn Minh Không
Chữa được Thần Tông hoàng đế
Triều đình đi dò hỏi, tìm thiền sư Minh Không, đệ tử đắc pháp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Minh Không đến kinh đô chữa lành bệnh của vua Thần Tông và được vua phong làm quốc sư và sắc lập chùa Linh Cẩm.
LÝ ANH TÔNG (1138 – 1175)
Thần Tông mất, thái tử Thiên Tô lên nối ngôi, hiệu là Lý Anh Tôn. Anh Tông là đệ tử của thiền sư Không Lô và được truyền tâm pháp. Vua tôn thiền sư Viên Thông làm quốc sư và tự xưng mình là Phật.
Quốc sư, người lãnh đạo tinh thần của cả triều đình và quốc gia đã có lần nói về lễ tri loan như sau với vua Lý Thần Tông:
“Thiên hạ cũng như bất cứ cái gì, hễ đặt vào chỗ an thì an, đặt vào chỗ nguy thì nguy: điều này trông vào hành động của vật nhân chủ (vua). Nếu đức tôn trọng sự sống của vua mà hợp lòng dân khiến cho dân yêu mến vua như cha mẹ, ngưỡng mộ lên vua như mặt trời mặt trăng, như thế là đặt thiên hạ vào đúng chỗ an. Trị và loạn cũng do sự dùng người. Tôi thấy các bậc đế vương thời trước không ai không dùng bậc quân tử mà hưng, không ai không dùng kẻ tiểu nhân mà vong. Tình trạng không phải chuyện một sớm một chiều mà từ từ xảy ra vậy. Trời đất không thể từ lạnh đổi sang nóng ngay tức khắc mà phải đi dần từ xuân sang thu, bậc vua chúa không hưng vong đột ngột mà hưng vong từ từ tùy theo tính cách thiện hay ác của họ. Bậc thánh vương đời xưa biết thế nên mới bắt chước đức của trời mà tu thân không ngừng, noi theo phép của đất mà an dân không nghỉ. Tu thân là thân trọng ở bề trong như dẫm trên băng mỏng, an dân là kính trọng kẻ dưới hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo đó thì hưng, không theo đó thì vong. Sự hưng vong chỉ từ từ xảy đến.”
Lời khuyên này của quốc sư Viên Thông đã được các vua nhà Lý nghe theo và đã trở thành triết lý chính trị của triều đại thuần từ, nhân bản này.
LÝ CAO TÔNG (1176 – 1210)
Anh Tông mất, thái tử Long Cán lên nối ngôi, hiệu là Lý Cao Tông. Cao Tông thọ giới với thiền sư Trương Tam Tạng. Năm 1169 vua cho mở khoa thi tam giáo để tuyển chọn nhân tài ra làm quan.
Đến đời Lý Cao Tông, suối nguồn sinh lực của nhà Lý do những thiền sư lỗi lạc và những minh quân phật tử gây dựng qua bao đời đã sắp cạn. Tuy nhà vua vẫn còn tôn sùng đạo Phật nhưng không có người tài đức để áp dụng tinh thần Phật giáo vào chính trị và đời sống quốc gia nên xã hội đi vào con đường thoái hóa suy vi, đến nỗi tăng phó Nguyễn Thường đã can vua thống thiết như sau:
“Tôi nghe bài tựa Kinh Thi nói: âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán, như giận. Nay dân loạn nước khổ, chúa thượng thì rong chơi vô đạo, triều chính rối loạn, nhân tâm ly tán. Đó là triệu chứng mất nước.” Xem như thế thì biết sau 200 năm thịnh trị, nhà Lý đến đây đã sắp hết rồi vậy bởi vì vua tuy cũng theo các bậc cha ông tôn sùng đạo Phật nhưng đã không biết sống theo chính pháp và trị quốc theo chính pháp lại còn “rong chơi vô độ” nên “triều chính rối loạn nhân tâm ly tán” Nhưng việc thịnh suy, hưng phế ở đời là lẽ thường và lại càng thường hơn đối với các triều đại, các chế độ và chính quyền. Nhà Lý hưng thịnh đẹp đẽ trong suốt 200 năm ấy cũng đã là siêu việt và phi thường.
LÝ Huệ Tông (1211 – 1225)
Thái tử Sâm nối ngôi Cao Tông tức là Lý Huệ Tông. Năm 1224 vua Huệ Tông chán đời sống vương giả bỏ ngai vàng xuất gia ở chùa Châu Giao và tự xưng là Huệ Quang đại sư. Công chúa Phật Kim, tức Lý Chiêu Hoàng lên nối ngôi. Sau Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là triều đại nhà Lý, sau 215 năm trị vì vương quốc Đại Việt đã chấm dứt.
Khởi nghiệp từ một cuộc đảo chính bất bạo động do một thiền sư siêu dị, tuyệt luân là thiền sư Vạn Hạnh chỉ đạo, bắt đầu bằng một vị minh quân phật tử thấm nhuần chánh pháp, biết sống theo chánh pháp và trị quốc theo chánh pháp, nhà Lý qua tám đời vua và 215 năm cầm quyền đã thành công
trong việc giữ nước và đã thành công hơn nữa trong việc dựng nước. Chính từ nhà Lý từ bi, nhân bản, văn học cực kỳ rực rỡ, võ công vô cùng lẫy lừng, chính trị nhân bản và thương yêu dân, kinh tế phồn thịnh và vì toàn dân, xã hội thuần hậu, thái hòa mà sự nghiệp Việt Nam, sự nghiệp của cường quốc Đại Việt đã thành tựu và đã trở nên bất hủ.
Cốt tủy và xương sống của triều đại nhà Lý là Phật giáo, các minh quân nhà Lý đã khôn ngoan, sáng suốt lấy tinh thần từ bi, nhân bản, khai phóng và giải thoát của đạo Phật làm chủ đạo cho chế độ, cho chính sách hưng quốc an dân, cho sinh mệnh văn hóa chính trị của quốc gia và cho đời sống tâm linh, tinh thần tín ngưỡng và xã hội của nhân dân. Triều đại nhà Lý đã biết lấy Phật giáo làm chủ lực cho một nền văn hóa dân tộc độc lập, một nền chính trị kinh tế hưng thịnh cũng như làm chất liệu tinh thần để quy tụ lòng người để thống nhất nhân tâm, để đoàn kết quốc dân.
Đối với các vị minh quân nhà Lý việc xây dựng một quốc gia Việt Nam giàu mạnh, vinh quang gắn liền với việc xây dựng một đạo Phật Việt Nam hưng thịnh sinh động. Các vị vua nhà Lý cùng với những vị quốc sư của họ đã không những ý thức một cách chính xác sự liên hệ ruột thịt máu xương giữa dân tộc và đạo pháp mà còn tích cực xây dựng một cách sáng suốt một đạo Phật Việt hưng thịnh sinh động trong lòng một dân tộc Việt giàu mạnh vinh quang. Điều này đã được thành tựu một cách rực rỡ, thành tựu không phải bằng cách thi hành một chính sách độc tôn, độc tài, kỳ thị, đàn áp các tôn giáo khác hay bằng cách đóng cửa khép kín với các trào lưu văn hóa khác mà đã thành tựu nhờ chính sách bao dung, khai phóng và hòa hợp với tất cả các tôn giáo và các trào lưu văn hóa của thời đại. Sự thành tựu rực rỡ này cũng không phải nhờ tôn xưng Phật giáo làm quốc giáo, tôn xưng các thiền sư làm quốc sư hay nhờ xây nhiều chùa, đúc nhiều tượng Phật, cúng dường lễ Phật một cách xa hoa tốn kém mà chính là nhờ biết lấy tinh thần từ bi, khai phóng nhân bản và giải thoát của Phật giáo làm yếu tố chỉ đạo cho chính sách trị quốc, cho nền văn hóa giáo dục chính trị kinh tế của quốc gia và cho đời sống tâm linh và xã hội của dân chúng.
“Đời Lý là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng đạo Phật.” Lời bình luận đơn sơ ngắn ngủi này cũng đủ để nói lên sự nghiệp vĩ đại của đạo Phật Việt đối với dân tộc Việt. Sự vĩ đại này sẽ không được thấy trọn nếu ta không biết rằng trước đó, dân tộc ta đã phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc vô cùng đen tối, lầm than, bị áp bức bóc lột đồng hóa bởi chế độ đô hộ sắt máu, tàn độc của đế quốc Trung Hoa, cũng như đã trải qua hàng chục năm nội chiến, thù hận của những chế độ độc lập nhưng vẫn còn dùng roi vọt, sắt máu để trị quốc an dân. Sự vĩ đại này cũng không được thấy hết nếu ta biết rằng khi Phật giáo không còn hưng thịnh và sinh động để lãnh đạo sinh mệnh văn hóa, chính trị quốc gia, khi mà những tôn giáo khác, những ý thức hệ khác cầm nắm sinh mệnh quốc gia Việt Nam một cách độc tôn và độc tài thì dân tộc đã bị rơi ngã vào vực thẳm suy vi, vào biển lửa chiến tranh, vào hận thù không dứt, vào bùn đen lầm than, ô nhục. Đó chính là sinh mệnh Việt Nam sau thời đại Lý – Trần, sau thời đại Phật giáo không còn lãnh đạo sinh mệnh quốc gia. Từ bài học lịch sử này ta đã thấy sáng bừng một chân lý, biểu hiện rực rỡ một con đường thênh thang xanh biếc một tương lai: dân tộc suy tàn đạo Phật sẽ suy vi, đạo Phật Việt hưng thịnh, dân tộc Việt sẽ phục hưng vinh quang và phục vụ dân tộc chính là phục vụ đạo pháp và phục vụ đạo pháp chính là phục vụ dân tộc.
Một đạo Phật Việt hưng thịnh sinh động trong lòng một dân tộc Việt giàu mạnh và vinh quang. Lý tưởng này đã được thực hiện một cách rực rỡ, huy hoàng trong thời đại nhà Lý và được thành tựu
một cách rực rỡ hơn nữa, huy hoàng hơn nữa trong thời đại nhà Trần. Hai thời đại tuyệt vời nhất, lẫy lừng nhất của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
NHÀ TRẦN (1225 – 1400)
Nhà Lý từ bi nhân bản đã được khai sinh bởi một thiền sư siêu dị, phi thường và bởi một Phật tử tài ba đức độ, đó là thiền sư Vạn Hạnh và Phật tử Lý Công Uẩn. Để rồi 200 năm sau được chấm dứt bởi một ông vua, thiền sư bỏ ngai vàng để trở thành một tăng sĩ, đó là Lý Huệ Tôn hay Huệ Quang đại sư. Thật là một khởi đầu kỳ diệu và một kết thúc lạ lùng. Nhưng giữa cái bắt đầu và cái kết thúc đó là một thời đại trải dài hai thế kỷ, đó là một quốc gia Việt Nam, một cường quốc Việt Nam độc lập, hưng thịnh đã bay hùng tráng, thanh thoát giữa phương trời từ bi, nhân bản của Phật giáo.
Tiếp nối nhà Lý từ bi nhân bản là nhà Trần bao dung, khai phóng. Triều đại nhà Trần cũng vĩ đại, cũng tuyệt vời như triều đại nhà Lý và cũng bát ngát một hương vị thiền tông phóng khoáng, dũng mãnh và siêu thoát như triều đại nhà Lý. Cũng như ông vua cuối cùng của triều đại nhà Lý, ông vua đầu tiên của triều đại nhà Trần là Trần Cảnh hay Trần Thái Tông cũng đã bỏ ngai vàng để đi tu, nhưng khác hẳn ông vua cuối cùng của nhà Lý chỉ thấy được phương trời giải thoát tâm linh của Phật giáo và đã thực hiện được ý nguyện xuất gia, tìm giải thoát cho riêng mình và bỏ lại cả triều đại sau lưng, ông vua đầu tiên của nhà Trần không những thấy mà còn bay lượn thong dong, còn tung hoành thỏa thích giữa phương trời giải thoát tâm linh của Phật giáo và không những thế, còn mang cả phương trời ngào ngạt hương hoa ấy vào chính trị, vào cuộc đời để khai sáng cả một triều đại hưng thịnh, vinh quang để giúp dân, để dựng nước và để cùng dân tộc hát ca trong cảnh đức trị, thái hòa.
Người đã mở cánh cửa quyền lực để đưa Trần Thái Tông lên ngai vàng là nhà chính trị Trần Thủ Độ, nhưng người đã mở cánh cửa giải thoát tâm linh và giải phóng con người cho Trần Thái Tông chính là một thiền sư: thiền sư Trúc Lâm. Ta hãy nghe lời tự thuật của vua Trần Thái Tông và cùng vì quân vương – bồ tát này đi dạo chơi giữa phương trời tâm linh và chính trị của Phật giáo:
“…Trẫm từ thuở ngây thơ, mới có hiểu biết, mỗi khi nghe lời dạy bảo của các vị thiền sư, tức thì dập tắt mọi sự nghĩ ngợi, trong mình rất là thanh tịnh. Hồi ấy, trẫm đã có ý ham mê nội giáo (giáo lý đạo Phật), xem xét thiền tông, đốc chí tìm thầy, thành tâm mến đạo. Song le cái ý khuynh hướng dù đã xảy ra, cái có cảm xúc vẫn chưa đạt tới.
Từ khi trẫm lên ngôi báu, một mình đang độ trẻ thơ, trẫm những sớm trưa lo sợ, không có lúc nào ở rỗi. Trẫm thường tự nhủ: ở trên đời đã không có cha mẹ để nương nhờ, thì ở dưới không đủ khiến cho dân đen thỏa lòng mong mỏi. Làm thế nào? Rồi trẫm lại nghĩ: Âu là lui ở núi rừng, rộng tìm Phật giáo để hiểu rõ về sự sống chết và để báo đáp công đức cù lao, như vậy há chẳng hay ư? Thế là chí trẫm đã quyết. Hiếu Thiên Phú Chính Bình, năm thứ 5, nhân đêm mồng 3 tháng 4, năm Bính thân, trẫm bèn giả mặc quần áo người thường, đi ra cửa cung và bảo tả hữu rằng: ta muốn đi chơi, nghe ngẫm lời dân, để coi chí dân ngõ hầu biết sự khó khăn của họ. Lúc đó theo bên cạnh trẫm chẳng qua độ bảy, tám người. Đêm ấy vào khoảng giờ mùi, trẫm tự lấy một con ngựa cất lén ra đi. Khi đã sang sông đi về phía đông, trẫm mới báo thật với bọn tả hữu. Bọn đó ngạc nhiên, ai nấy đều ứa nước mắt, khóc lóc. Giờ mão hôm sau, đến một bến đò dưới núi Phú Nại, thuộc làng Đại Thần, sợ có kẻ biết trẫm mới lấy áo trùm mặt mà qua sông, rồi theo đường tắt lên núi. Đến tối, vào ở trong chùa Giác Hạnh đợi cho đến sáng lại đi. Chật vật trèo lội, núi hiểm suối sâu, con ngựa đã nhọc không thể lên núi
được nữa trẫm phải bỏ ngựa, vin vào tảng đá mà đi. Giờ mùi mới đến núi Yên Tử. Sáng mai đến thẳng đỉnh núi và vào ra mắt quốc sư Trúc Lâm, vi đại sa môn chùa ấy.
Thấy trẫm, quốc sư mừng rỡ, rồi người ung dung bảo với trẫm rằng: lão tăng ở lâu rừng núi, xương rắn mặt gầy, ăn rau răm, cắn hạt dẻ, uống nước suối, chơi cảnh rừng đã quen, tấm lòng đã giống như mây nổi nên mới theo gió lên đây. Nay nhà vua bỏ uy thế của đấng nhân chủ, nghĩ sự quê hèn của xứ đồng rừng chẳng hay vua định cầu cái gì mà đến chỗ này?
Trẫm nghe lời đó, đôi hàng nước mắt tự nhiên ứa ra, liền bảo quốc sư: Trẫm còn thơ ấu, mới mất hai thân, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không biết nương tựa vào đâu và trẫm lại nghĩ: sự nghiệp của đế vương đời trước, hưng vượng, suy bại bất thường nên trẫm muốn vào núi này chỉ cầu làm Phật, không cầu cái gì khác cả. Quốc sư nói: Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không còn phải đi tìm cực nhọc ở bên ngoài.
Bây giờ chú Trần (Trần Thủ Độ) nghe tin trẫm đi chia ngã sai tả hữu đi khắp mọi nơi dò tìm vết đường, khi gặp trẫm, ông ấy nói rất thống thiết: Tôi chịu lời ủy thác của đức tiên quân, vâng nhà vua làm chủ cho nhân gian và quỷ thần, dân họ mong nhờ nhà vua cũng như con đỏ mến cha mẹ vậy. Huống chi ngày nay, những vị cố lão trong triều đều là họ hàng thân mật, những kẻ sĩ, thứ dân trong nước ai cũng vui vẻ phục tùng cho đến đứa trẻ lên bảy cũng biết nhà vua là cha mẹ dân. Vả lại, Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên mộ chưa khô, lời nói bên tai còn đó, thế mà nhà vua đã lánh vào chốn núi rừng để thỏa cái chí của mình. Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về.
Trẫm nghe thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ trẫm nên mới đem lời thái sư mà bạch lại với quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm mà nói: Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ đều muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên.
Bởi vậy trẫm với mọi người trong triều mới trở về kinh, miễn cưỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong 10 năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo thiền. Các kinh điển của các hệ thống giáo lý chính, không kinh nào là trẫm không nghiên cứu. Có lần đọc kinh Kim Cang đến câu “ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trẫm đương bỏ sách suy nghĩ chợt thấy tự mình giác ngộ, bèn đem sự giác ngộ đó làm ra những bài văn này và đặt tên là Thiền Tông Chí Nam… Cũng vào năm nay quốc sư từ Yên Tử về kinh sư, trẫm mời ở lại chùa Thắng Nghiêm để mở đầu việc khắc bản ấn hành các kinh điển. Trẫm đã đem tác phẩm này đưa cho thầy. Thầy xem xong và khen tới ba lần. Ngài nói: Tâm của chư Phật ở cả trong này. Sao không khắc ra để chỉ bày cho kẻ hậu học? Trẫm nghe lời ấy, bèn bảo thợ viết thành chữ Khải và truyền cho đem in. Ý trẫm không những chỉ để góp phần vào việc khai thị hậu thế mà còn muốn tiếp tục làm cho sự nghiệp của thánh nhân đời trước càng thêm rộng lớn. Do đó tự viết bài tựa này.”
Bài tựa cuốn Thiền Tông Chí Nam này của vua Trần Thái Tông được viết rất giản dị và trong sáng. Nhưng chính đoạn văn nhỏ này, trong đó gói ghém những lời nói tự nhiên, bình dị của thiền sư Trúc
Lâm đã chứa đựng những tư tưởng cực kỳ lớn và có ích lợi lớn đối với cá nhân vua Trần Thái Tông cũng như cho cả sinh mệnh của thời đại nhà Trần, và qua đó, sinh mệnh của Việt Nam.
Như thái tử Tất Đạt Đa nửa đêm bỏ kinh thành và vợ con để ra đi cầu đạo, vua Trần Thái Tông, khi chỉ mới 20 tuổi, cũng đã bỏ ngai vàng, cung điện, sự nghiệp đế vương và tất cả vinh quang hạnh phúc của một bậc vua chúa để lên chùa Yên Tử cầu thành Phật. Nhưng nhà vua đã được thiền sư Trúc Lâm khai thị bằng một câu nói bình dị nhưng diễn tả được cốt túy của đạo Phật: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần phải đi tìm cực nhọc ở bên ngoài.” Chỉ bằng câu nói giản dị này thiền sư Trúc Lâm đã mở tung cả phương trời giải thoát tâm linh cho nhà vua, chỉ tỏ con đường giải thoát và trạng thái giải thoát, cả cách đi và nơi đến tối thượng của một Phật tử, dù là tăng sĩ hay cư sĩ. Đồng thời câu nói này cũng đã đánh sụp đổ bầu trời đen tối, yếm thế, chán đời trong tâm hồn của vị vua trẻ tuổi này, cũng như đập vỡ tất cả ngộ nhận, hiểu lầm về đạo Phật của nhà vua: “Trẫm còn thơ ấu đã sớm mất mẹ cha chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường cho nên trẫm mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, không muốn tìm gì khác.” Vua Trần Thái Tông đến cửa Phật để tìm nơi nương tựa, để xoa dịu và quên đi nhưng đau khổ đang dày vò tâm hồn mình nhưng cửa Phật đâu phải là nơi nương tựa của những kẻ chán đời, sợ đời và trốn đời. Mặt khác, đời sống tu hành giải thoát của một tu sĩ Phật giáo đâu thể nào được bắt đầu từ những giây phút bi quan chán nản rời rã của một kẻ đau khổ không lối thoát, dù kẻ đó là một vị đế vương. Cửa Phật quả thật luôn luôn mở rộng đối với mọi chúng sanh, đặc biệt là những chúng sanh đang đau khổ nhưng để được đón nhận như những sa môn trong hàng ngũ tăng già, những con người tìm đến phải là những người có tâm hồn phóng khoáng, cao rộng, lạc quan yêu đời, vì quá yêu đời, yêu người, yêu tất cả nhân loại nên mới chọn con đường giải thoát, con đường cứu khổ cho vui của đức Phật. Những tu sĩ Phật giáo chính là những bậc đại trượng phu đã dũng mãnh đập vỡ tất cả trói buộc của thế gian, tất cả gông cùm của ái dục để thanh thoát, thong dong tung bay giữa phương trời giải thoát, tự tại và để hùng tráng xả thân đi tới trên con đường cứu đời, cứu người.
Được một ông vua bỏ cả ngai vàng để đến xin làm đệ tử hẳn là một điều tốt đẹp cho thiền sư Trúc Lâm và cho sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo trong khắp cả nước, nhưng vì thương xót Trần Thái Tông, thương xót một tâm hồn nhiệt thành với chánh pháp nhưng vẫn còn bị vô minh che phủ, thiền sư đã khai thị cho vua, thẳng tay bác bỏ quan niệm sai lầm của vua, soi sáng cho vua thấy con đường chân chính để thành Phật. Qua sự khai thị này, thiền sư cũng đã mặc nhiên khước từ thu nhận Trần Thái Tông làm một đệ tử xuất gia.
Ngày hôm sau Trần Thủ Độ mới đến. Ông thủ tướng tài ba lỗi lạc nhưng cũng rất gian hùng và tàn bạo, trong khung cảnh ngoạn mục đó, đã nói một câu đáng ghi nhớ: “Để lời khen suông cho đời thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người đưa đường cho thiên hạ” Câu nói này chính là hạnh nguyện của bồ tát, của những người mang tâm đại từ bi lăn xả vào đời để cứu người, độ người. Nhưng câu nói này vẫn chưa đủ sâu sắc, đủ mãnh liệt để đập tan sự mâu thuẫn đang xung đột nhau kịch liệt trong tâm tư của vị vua và cũng là một thanh niên phật tử nhiệt thành này. Nhà vua muốn xuất gia tu hành để chứng đạt sự giải thoát tâm linh, vị thủ tướng muốn nhà vua trở về cầm quyền để trị quốc. Hai quan niệm xuất thế để giải thoát tâm linh và nhập thế để phụng sự cuộc đời rõ ràng là hai quan niệm đối nghịch và xung đột giả tạo, phát sinh từ quan niệm sai lầm của nhà vua về đạo Phật. Đứng trước sự mâu thuẫn giả tạo và sự lầm lạc của người đời, thiền sư Trúc Lâm, đại diện cho đạo, sau khi
đã khai mở cánh cửa giải thoát tâm linh cho nhà vua, bây giờ lại mở tung cả phương trời chính trị dân bản và nhân bản của Phật giáo, không những cho riêng vua Trần Thái Tông mà còn cho cả triều đại nhà Trần hưng thịnh, lẫy lừng và cho tất cả những nhà hành động, những nhà chính trị Việt Nam: “Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển (kinh sách Phật giáo) xin bệ hạ đừng phút nào quên” Thật là một câu nói giản dị và kỳ diệu, vừa định rõ vai trò và sứ mạng của một người lãnh đạo quốc gia, vừa định rõ bổn phận của một người Phật tử. Cả hai, giờ đây đã hợp nhất trong con người Trần Thái Tông. Câu nói kỳ diệu của thiền sư Trúc Lâm đã chuyển hóa lịch sử và sinh mệnh Việt Nam, đã trao cho nền chính trị Việt và sự hành hoạt Việt một nội dung dân bản (lấy dân làm gốc) và nhân bản (lấy người làm gốc), đó cũng chính là triết lý chính trị và hành hoạt của Phật giáo. Câu nói kỳ diệu của thiền sư Trúc Lâm đã chuyển hóa con người Trần Thái Tông từ một kẻ chán đời, đau khổ, một kẻ suýt trở thành một ông thầy tu không hiểu đạo Phật thành một vị quân vương bồ tát, một đại Phật tử và một đại thiền sư. Chỉ bằng hai câu nói hồn nhiên mộc mạc, thiền sư Trúc Lâm đã mở tung cho vua Trần Thái Tông và cho tất cả chúng ta hai phương trời mầu nhiệm, phương trời giải thoát tâm linh bằng con đường hướng nội, trở về với chính cái tâm ta và phương trời giải phóng con người bằng con đường hành hoạt để phụng sự nhân dân theo nguyện vọng của chính nhân dân. Hai câu nói của thiền sư Trúc Lâm được vua Trần Thái Tông ghi nhớ, áp dụng trong đời sống hằng ngày và trong việc lãnh đạo quốc gia như là kim chỉ nam chỉ đạo cuộc đời và chính sách trị quốc của nhà vua, nhờ vậy vua Trần Thái Tông đã thành tựu cả hai sự nghiệp: Sự nghiệp của một quân vương trị quốc theo chánh pháp và sự nghiệp của một con người, giác ngộ và giải thoát để hoằng pháp độ sinh.
Nghe lời khuyên của thiền sư Trúc Lâm, vua Trần Thái Tông trở về kinh “miễn cưỡng mà lên lại ngôi báu.” Cũng từ đó vua trở thành một vị vua gương mẫu và một phật tử gương mẫu.
“Trẫm lo việc chăn dân mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc quên cả sớm chiều: công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc thì giờ, trẫm cố gắng học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn thức để đọc sách, đọc sách nho rồi lại đọc kinh Phật.”
Vua Trần Thái Tông đã học nho như một môn xã hội học và chính trị học cần thiết cho việc trị quốc an dân và học Phật như một môn học cần thiết cho việc tu dưỡng tâm tánh và giải thoát tâm linh. Phong trào văn hóa và chính trị “tam giáo đồng nguyên” thành tựu tốt đẹp vào thời nhà Trần chắc hẳn có nguồn gốc trực tiếp từ kiến thức uyên thâm về Nho – Phật của vua Trần Thái Tông và từ thái độ dung hợp và phân công hợp tác giữa Nho – Phật của nhà vua, nhưng trước hết và trên hết chắc chắn phong trào văn hóa – chính trị “tam giáo đồng nguyên” đã khởi phát từ tinh thần khai phóng bao dung và hòa hợp của Phật giáo mà nhà vua đã thấm nhuần một cách nhuần nhuyễn.
Ở tư thế của một quân vương, vua Trần Thái Tông đã cho chúng ta những kinh nghiệm vô giá về việc lãnh đạo quốc gia. Đồng thời ở tư thế của một Phật tử nhà vua cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu về lòng mộ đạo, sự nghiên cứu học hỏi chánh pháp và sự chứng đạt ở ngay giữa cuộc đời náo động, phiền não: “Mười mấy năm trời, mỗi khi thư rỗi, trẫm lại họp với các vị kỳ đức để bàn luận đạo thiền và các kinh sách nhà Phật, không cuốn nào là trẫm không xem xét. Có lần đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, buông kinh xuống chiêm nghiệm, trẫm chợt thấy tự mình giác ngộ.”
Nhìn lại cuộc đời và những tác phẩm của vua Trần Thái Tông ta thấy vua đã vừa thành công trong việc trị quốc an dân, vừa thật sự chứng đắc và giải thoát. Những tác phẩm của Trần Thái Tông, viết cách đây đã hơn 600 năm, cho ta thấy rõ nhà vua không những thấu triệt Phật pháp mà còn nung nấu một quyết tâm cởi bỏ vượt thoát tất cả ràng buộc, gông cùm của thế gian, một ý thức tỉnh thức sáng bừng về thân phận đích thực của con người và về đời sống ở giữa vòng mộng huyễn cuối cùng nhà vua đã dũng mãnh đập tung tất cả tù ngục, chặt đứt tất cả xiềng xích và thong dong tự tại rong chơi giữa cõi trời giải thoát ngay trong chính cuộc đời.
“Công danh cái thế chẳng qua một giấc mộng dài phú quý kinh người khó tránh “vô thường” hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cục là không, khoe giỏi khoe hay, rốt cục chẳng thực. Tứ đại rã rời thân già trẻ, núi khe mòn mỏi biết anh hùng. Tóc xanh chưa mấy mà màu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi thì người điếu đã tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình bảy thước xương khô, mặc sức tham lam tiền của.Thở ra không hẹn thở vào, ngày nay không tin ngày kế, trôi nổi sông yêu giờ nào nghỉ, nấu nung nhà cháy biết bao thời (Phổ khuyết phát tâm bồ đề)”
Qua lớp ngự bào đẹp đẽ bằng lụa là, châu ngọc của mình, qua lớp xiêm áo lộng lẫy của những giai nhân sắc nước hương trời tha thướt đêm ngày trong cung điện nhà vua đã thấy rõ bản chất sắc thân của mình cũng như của tất cả chúng sanh và nơi chốn mà sắc thân ấy cuối cùng sẽ đến, sẽ trở thành một cách tất yếu, không thể nào tránh được.
“Bộ xương khô cài hoa điểm ngọc, túi da hôi ướp xạ xông lan, cắt lụa là bọc thân máu mủ, xâu tràng hoa đẹp túi phân tro… trang điểm bề ngoài, bên trong uế trược… những mong sống kiếp của thân già nào biết tứ chi là nhà dột. Hồn phách tạm về lối quỷ, thi hài còn để cõi người. Tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đờm dãi bọt hơi đã thấy ứa. Rửa nát thì chảy ròng máu mủ, tanh hôi thì rình đất rình trời. Đen đúa mặt chẳng dám nhìn, xanh lè thật là đáng sợ. Bất luận nghèo giàu tất cả đều chết. Để ở trong nhà ruồi bu ngọ nguậy, vứt ở ngoài đồng thì quạ rỉa chó ăn. Người đời phải bịt mũi mà qua, con hiếu phải lấy nong mà đậy… Thu thập thịt xương, chôn đi hài cốt. Quan tài phó sao trời đóm ruộng, mồ mả chôn muôn dặm hoang sơn. Ngày xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro xanh xương trắng.” (Phổ khuyến sắc thân)
Đó chính là thân phận người, thân phận đau khổ của tất cả chúng ta. Nhưng thân phận bi đát này nào phải chỉ sống và chỉ chết một lần rồi thôi, mà phải sống và phải chết, nghĩa là phải đau khổ, muôn triệu lần kiếp này đến kiếp khác đến vô số kiếp, quay cuồng bất tận trong vòng luân hồi sinh tử. Điều này cũng như cái chết, là một điều tất yếu để trở thành quy luật phổ quát và bất di bất dịch nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống trong cảnh sống say chết mộng, mê đắm trong dục lạc, ngụp lặn trong thế gian, đánh mất mình trong sự hưởng thụ những hình sắc, âm thanh, hương vị, cảm xúc giả tạo, mộng huyễn. Tất cả chúng ta chỉ là những viễn khách đi mãi trong một cuộc hành trình vô tận và cuộc đời chỉ là quán trọ, quê nhà vẫn còn ngút ngàn xa xôi:
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường”
(Bài kệ tứ sơn)
Là một phật tử nhiệt thành, một cư sĩ đạt đạo, một con người giải thoát nhưng Trần Thái Tông đồng thời cũng là một ông vua văn võ song toàn. Vua vừa là một vị minh quân bồ tát, khai sáng một triều đại và trị quốc, dựng nước theo chánh pháp, vua là một nhà anh hung cứu quốc, giữ nước. Năm 1257, đế quốc Mông Cổ xâm lăng nước ta lần thứ nhất, vua liền tạm dẹp kinh kệ để ngự giá thân chinh đánh giặc. Quân giặc có đến 200.000 người ồ ạt tiến vào nước ta như nước vỡ bờ và đánh chiếm được kinh thành Thăng Long nhưng quân dân ta dưới sự lãnh đạo anh minh, nhân từ của nhà vua, đã muôn người như một, quyết chiến quyết thắng. Về sau giặc không quen thủy thổ, bị bệnh tật đau yếu và đâm ra mệt mỏi, xuống tinh thần, quân dân ta liền lập tức tổng phản công đánh bại giặc ở Đông Bộ Đầu và tiến chiếm lại thành Thăng Long. Giặc thảm bại rút chạy về Tàu bị phục binh của ta đổ ra đánh cho tơi bời, điêu đứng.
Năm 1258, sau khi dẹp yên quân xâm lăng, vua Trần Thái Tông nhường ngôi lại cho thái tử Trần Quân tức là Trần Thánh Tôn. Vua trở thành thái thượng hoàng cùng con trị quốc và hoằng dương chánh pháp.
Cũng như các vị minh quân nhà Lý, vua vừa quan tâm đến nền văn hóa, giáo dục dân tộc, vừa tích cực hỗ trợ đạo Phật. Năm 1247 vua mở khoa thi tam giáo. Năm 1249 vua cho trùng tu chùa Chân Giáo, năm 1256 cho đúc 330 qua chuông, năm 1262 sắc dựng chùa Phổ Ninh ở phía tây điện Thiên Trường, ngoài ra vua đã sáng tác rất nhiều tác phẩm về đạo Phật và cho ấn hành rất nhiều kinh sách. Năm 1277 vua mất, thọ 60 tuổi. Trần Thái Tông đã trị vì 32 năm và lên làm thái thượng hoàng 20 năm. Hơn nửa thế kỷ lãnh đạo quốc gia và hoằng dương Phật pháp một cách tuyệt hảo, vua xứng đáng để được gọi là một đại minh quân và đại Phật tử. Sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhà vua rất lớn, biểu hiện rực rỡ bằng cuộc chiến thắng đợt xâm lăng lần thứ nhất của đế quốc Mông Cổ và bằng cảnh thái bình thịnh trị trong toàn nước. Sự nghiệp hoằng pháp của nhà vua lại càng lớn hơn nữa. Chính cuộc đời của nhà vua, tu học và chứng đạt ngay giữa hoàng thành cung điện, ngay trong đời sống tại gia đã là một bài thuyết pháp vĩ đại và bất hủ. Vua đã để lại cho đạo và cho đời những tác phẩm giá trị để đánh thức và khai thị cho chúng sanh. Và giá trị nhất là vua đã để lại cho dân tộc Việt và đạo Phật Việt một tấm gương sáng vằng vặc của một vị minh quân gương mẫu cho tất cả mọi quân vương, biết trị quốc an dân theo chánh pháp, biết sử dụng quyền hành một cách ngay chính để phụng sự cho đất nước và con người, để biến quốc đô của mình thành một tinh đô nhân gian, để biến quốc gia của mình thành một quốc gia độc lập, tự do, hòa bình và hưng thịnh. Vua cũng là một Phật tử gương mẫu cho tất cả mọi Phật tử, đã suốt một đời tinh tấn, kiên trì nghiên cứu Phật pháp và thực hành Phật pháp, đã nỗ lực tự giải thoát để hoằng dương chánh pháp cứu độ tất cả chúng sanh.
Như một con rồng lớn, hình ảnh kỳ vĩ tuyệt đẹp của Trần Thái Tông vẫn còn tung hoành mãi trên bầu trời lịch sử của dân tộc Việt và đạo Phật Việt. Trần Thái Tông đời đời bất tử trong lòng lịch sử và sông núi Trần Thái Tông sống mãi trong sự nghiệp Việt Nam.
TRẦN THÁNH TÔNG (1258 – 1278)
Thái tử Trần Quan lên nối ngôi vua năm 1258 và trở thành Trần Thánh Tông. Cũng như vua cha, vua Trần Thánh Tông là một vị minh quân rất sùng mộ đạo Phật và tích cực ủng hộ Phật giáo nên Phật giáo trong đời Trần Thánh Tông vẫn tiếp tục được hưng thịnh. Nhưng mặc khác, vua Trần Thánh Tông cũng ra sức mở mang, nâng đỡ nho giáo, vì vậy nên nho học trở nên hưng thịnh và cùng Phật giáo phân công hợp tác một cách tốt đẹp. Tuy nho học được phát triển mạnh mẽ nhưng dưới đời vua
Trần Thánh Tông tinh thần bao dung, khai phóng của Phật giáo vẫn là tinh thần của chế độ và triều đại. Sau 30 năm trị vì quốc gia, duy trì cảnh thái bình thịnh trị trong nước, đặc biệt là thi hành một chính sách ngoại giao mềm dẻo, hòa hoãn với đế quốc Mông Cổ, vua Trần Thánh Tông lên ngôi thái thượng hoàng và nhường ngôi cho con là thái tử Trần Khâm. Chính nhờ thời gian hòa bình thịnh trị lâu dài trong suốt đời vua Trần Thánh Tông mà dân tộc ta về sau đã có đủ khí lực sung mãn, hùng hậu để đương đầu và đánh bại hai cuộc xâm lăng khổng lồ của đế quốc Mông Cổ.
TRẦN NHÂN TÔNG (1278 – 1293)
Thái tử Trần Khâm lên ngôi năm 1278 và trở thành vua Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông sinh năm 1258 ngay từ thuở nhỏ đã hết lòng sùng mộ đạo Phật và đã có ý định xuất gia. Lúc chỉ mới 16 tuổi được lập làm thái tử, vua có nhường lại ngôi vị đông cung thái tử cho em nhưng vua cha không chịu nên vua phải miễn cưỡng nhận lãnh. Vua Trần Nhân Tông là một con người siêu dị, siêu thường và vô cùng vĩ đại, ít thấy trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Cũng như vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng để xuất thành mong được làm một tu sĩ Phật giáo. Sách Tam tổ thực lục ghi: “Một đêm vào giờ tí, vua vượt thành mà đi, muốn vào núi Yên Tử. Đến chùa ở núi Đông Cứu thì trời sáng liền vào ẩn trong tháp. Vị tăng trú trì thấy tướng mạo dị thường liền đem thức ăn khoản đãi. Hôm sau thái hậu và vua Thái tông sai quần thần đi tìm tứ tán, bất đắc dĩ vua phải về. Khi lên ngôi tuy ngồi trên chín bệ vinh quang nhưng sinh hoạt rất thanh tịnh. Một hôm ngủ trưa tại chùa Từ Phúc trong đại nội vua mộng thấy trên rốn mình nở ra một hoa sen lớn như bánh xe, trên đó có một đức Phật vàng. Bên cạnh có người chỉ vào vua và nói: biết đức Phật này không? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy. Vua tỉnh dậy, đem giấc mộng đó nói lại cho Thánh Tông nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ đó thường ăn chay tránh thịt cá, long nhan gầy mòn. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ hỏi, Điều Ngự (Nhân Tông) cứ thực trình bày. Thánh Tông khóc nói: ta đã già trông cậy vào một mình ngươi nếu ngươi như thế thì làm sao nối được thịnh nghiệp của tổ tông? Điều Ngự cũng khóc. Điều Ngự thanh tịnh thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển, thường mời các vị thiền sư tới cùng giảng cửu thiền học. Điều Ngự cũng tìm tòi tham khảo với Tuệ Trung, Thượng Sĩ và do đó thâm nhập được cốt tủy của thiền học, cho nên thường lấy tư cách đệ tử để đối đãi với Tuệ Trung.” Đó là sách nhà Phật viết về Trần Nhân Tông, sau đây là một đoạn của một nhà nho, sử gia Ngô Sĩ Liên viết về con người siêu dị đó:
“Vua được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Đồng Tử (hay Kim Phật), ở vai bên tả có nốt ruồi đen cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Hòa nhã, cố kết lòng dân sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần. Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ đạo hiếu, dưới dùng người hiền lập nên võ công nếu không phải bậc nhân minh anh vũ thì sao được như vậy?”
Vua Trần Nhân Tông vừa mới lên ngôi đã phải đương đầu với một cơn bão tố khủng khiếp nhất, một thử thách lớn nhất của dân tộc ta kể từ thời lập quốc, đó là cuộc xâm lăng lần thứ hai và lần thứ ba của đế quốc Mông Cổ, một đế quốc khi ấy đã thôn tính toàn bộ Trung Hoa, chinh phục cả 40 vương quốc lớn nhỏ trên khắp cả hai lục địa Á Âu, một đế quốc chạy dài từ Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương, một đế quốc rộng lớn chưa bao giờ có trước đó và sau đó. Năm 1280 nhân vua Nhân Tông mới lên ngôi, vua Mông Cổ cho lễ bộ thượng thư Sài Thung qua nước ta đòi vua sang chầu. Vua ta từ chối. Năm 1282 chúng lại qua đòi nạp triều cống và vua qua chầu, vua khước từ và cho chú họ là Trần
Di Ái đi thay. Vua Mông Cổ không bằng lòng, xuống chiếu lập tòa Tuyên Phù Tuy đưa quan lại sang cai trị nước ta. Bọn này sang bị vua Trần Nhân Tông đuổi về. Vua Mông Cổ liền sai Sài Thung đem 1000 quân hộ tống Trần Di Ái về nước ta và phong cho Trần Di Ái làm An Nam Quân Vương. Vua Nhân Tông được tin liền cho quân đón đánh ở ải Nam Quan, Sài Thung bị bắn mù mắt chạy trốn về Tàu. Vua Mông Cổ vô cùng tức giận phong cho con là Thoát Hoan làm trấn nam vương, huy động một đạo quân khổng lồ đến 600.000 người sang xâm lăng nước ta. Trước sự thách đố của quân thù, vua Nhân Tông và quân dân ta hùng tráng trả lời bằng cách chuẩn bị kháng chiến chống giặc. Năm 1283 vua Nhân Tông triệu tập hội nghị quân sự - chính trị ở Bình Than, cùng quần thần, vương hầu, tướng lãnh hoạch định kế hoạch chống giặc và vua phong cho Trần Quốc Tuấn làm tổng tư lệnh quân đội. Trần Quốc Tuấn đã soạn hịch tướng sĩ, binh thư yếu lược và vạn kiếp bí truyền thư để động viên ba quân và thao luyện tướng sĩ. Sau đó vua Nhân Tông triệu tập hội nghị chính trị Diên Hồng, hội nghị nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta, mời các vị bô lão từ các nơi trong nước về kinh đô trưng cầu dân ý nên hòa hay nên chiến. Các bô lão, đại diện cho toàn thể nhân dân ta, đã đồng thanh hô “quyết chiến, quyết chiến đến cùng”. Năm 1284, một cuộc duyệt binh vĩ đại của 200.000 quân ta đã được tổ chức ở Đông Bộ Đầu, các chiến sĩ của ta đã hăng say khắc trên tay hai chữ Sát Thát (giết giặc Mông Cổ) để nói lòng quyết tâm quyết chiến quyết thắng. Cuối năm 1284, 600.000 quân Mông Cổ đổ vào nước ta như vũ bão, đánh bật các đạo quân của ta, chiếm giữ thành Thăng Long và tấn công liên tục để truy kích chủ lực của ta. Quân ta thua nhiều trận nhưng tinh thần quyết chiến quyết thắng vẫn bốc cao và vẫn giữ được nguyên vẹn chủ lực. Sang giữa năm 1285 quân ta dũng mãnh tổng phản công, đánh tan quân giặc ở Hàm Tử Quan, đuổi giặc chạy dài ở Chương Dương Đô, khôi phục lại kinh thành Thăng Long, tiêu diệt chủ lực giặc ở Tây Kết, truy kích tàn quân giặc ở Vạn Kiếp, kết quả cả đạo quân khét tiếng 600.000 người của một đế quốc đã từng dẫm nát Trung Hoa, Nga, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hung Gia Lợi làm cho Ý, Pháp, Đức và cả Đức Giáo Hoàng Thiên Chúa giáo ở La Mã đã phải khiếp sợ cầu hòa, đã bị đánh tan tành ở Việt Nam bởi một dân tộc Phật giáo do một vị quân vương Phật tử lãnh đạo. Giữa không khí chiến thắng lẫy lừng, thượng tướng Trần Quang Khải đã ngâm vang một bài thơ đầy hùng khí:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
Bị thua nhục nhã, đế quốc Mông Cổ quyết chí phục thù. Chúng đình hoãn cuộc xâm lăng Nhật Bản, dốc toàn sức để xâm lăng nước ta lần thứ ba. Năm 1287, 300.000 quân Mông Cổ hùng hổ kéo sang rửa hận, nhưng không như những lần trước, lần này chúng bị chặn đánh kịch liệt ở trước thành Thăng Long, không phá nổi thành, chúng rút về Vạn Tiệp thúc thủ. Quân ta mưu trí phục binh cướp thuyền lương của giặc khiến chúng lo sợ mất hết tinh thần. Cuối cùng hết lương thực, chúng phải rút chạy. Bằng mưu kế cắm cọc sắt dưới lòng sông Bạch Đằng mà Ngô Quyền đã làm cách đó 300 năm quân ta dụ quân giặc đến trận địa ngầm và hoàn toàn tiêu diệt thủy quân của chúng, chủ tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt sống. Bằng chiến thắng hiển hách này, dân tộc ta đã rửa hận cho cả 40 dân tộc trên thế giới bị lũ giặc cướp này xâm lăng giày xéo. Trên mặt bộ, khi hay tin thủy quân tan rã, Thoát Hoan hốt hoảng rút chạy bị quân ta mai phục đổ ra đánh giết, tiêu diệt toàn bộ đại quân giặc, cuối cùng chỉ có Thoát Hoan và vài trăm quân còn sống sót chạy về Tàu. Tổng cộng, cả ba lần xâm lăng của đế quốc Mông Cổ, trong đó hai lần cuối cùng đã diễn ra trong vòng ba năm, với hơn một triệu quân đã bị quân dân ta đánh cho không còn manh giáp. Đánh tan tành một đế quốc mạnh nhất thời đại, dân tộc
ta lại vươn lên huy hoàng rực rỡ hơn xưa. Giữa mùa xuân chiến thắng vinh quang, thay mặt cho cả dân tộc ta, thượng hoàng Trần Thánh Tông đã sung sướng ngâm hai câu thơ sảng khoái, tự hào:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng.
Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lăng Mông Cổ đã nói lên tất cả sức mạnh của dân tộc ta dưới thời đại nhà Trần, đặc biệt dưới thời đại của vị minh quân bồ tát Trần Nhân Tông. Đâu là những yếu tố tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ ?
1. Yếu tố tất thắng đầu tiên là yếu tố tinh thần của nhân dân và quân đội ta. Tinh thần ấy do đâu mà có ? Do nền văn hóa dân tộc nung đúc. Nền văn hóa dân tộc độc lập hùng cường dưới thời nhà Trần chính là nền văn hóa lấy Phật giáo làm nền tảng và yếu tố chỉ đạo để dung hòa, tổng hợp cái tinh thần đại hùng đại lực, đại từ bi của Phật giáo với cái trật tự tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của Khổng giáo và tinh thần bình thản, phóng khoáng của Lão trang. Chính nhờ được nền văn hóa dân tộc siêu việt ấy hun đúc nên đất nước ta thời ấy đã có những minh quân và nhiều danh tài, dũng tướng. Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo là hai con người tiêu biểu nhất cho tinh hoa của nền văn hóa dân tộc được thể hiện trong việc dựng nước và giữ nước theo triết lý nhập thế hành động tích cực của Phật giáo thiền tông thời Lý – Trần. Triết lý hành động này đã được khai sinh từ thời Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn và được tiếp nối qua bao thế hệ. Thời Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo chính là thời nở hoa, thời phát tiết khắp nhân gian của triết lý hành động hùng tráng và siêu thoát đó. Triết lý hành động này không những được thể hiện qua những nhà lãnh đạo quốc gia mà còn qua những bô lão quyết chiến, những chiến sĩ khắc vào tay hai chữ sát thát, qua những người dân liều chết đánh giặc. Truyền thống văn hóa dân tộc mà cốt tủy là nền Phật giáo thiền tông dũng mãnh, phóng khoáng được thấm nhuần trong huyết quản của mọi người dân, và trở thành chất liệu, thành động lực thúc đẩy con người hành động tích cực, hy sinh tất cả cho tổ quốc.
2. Yếu tố tất thắng thứ hai là sự đoàn kết ruột thịt giữa vua và dân, tướng và quân, của đại khối dân tộc thành một khối sắt thép cháy đỏ lòng yêu nước và quyết tâm hy sinh vì nước. Tại sao có được sự đoàn kết ruột thịt ? Đó chính là nhờ vua Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, cũng như những vị vua nhân từ của nhà Lý, đã biết yêu thương dân, kính trọng dân, phụng sự dân, khoan thứ đối với dân và biết lấy “ý muốn của dân làm ý muốn của mình, lấy tâm của dân làm tâm của mình”. Vua Trần Nhân Tông thương dân vô cùng. Một chiều đông giá đi ra ngoài thành thăm dân, vua thấy một ông lão co ro, run rẩy nằm ở bên đường, vua cảm động thương xót cởi áo ngự bào đang mặc đắp cho chúng sanh, cho người dân đang đau khổ đó và quay lại bảo tả hữu: “Trong nhân gian có người còn đói khổ thì trẫm vẫn không được yên lòng.”
Bằng lòng đại từ bi của một Phật tử, nhà vua đã làm một cử chỉ rất bình thường là cởi áo mình mặc cho người, nhưng đây là một hành động rất vĩ đại, thể hiện được tình thương người, thương dân của nhà vua. Chính nhờ tình thương chân thật này mà vua đã đoàn kết được toàn dân và chính nhờ toàn dân đoàn kết nên mới tạo ra sức mạnh phi thường của dân tộc, giúp dân tộc đánh bại một đế quốc bách chiến bách thắng trên thế giới. Ngoài tình thương dân tộc, vua Trần Nhân Tông còn có tinh thần dân chủ, vua đã triệu tập hội nghị Diên Hồng để nhân dân được phát biểu về vấn đề trọng đại của quốc gia. Nhờ đâu mà vua có được tình thương dân tộc và tinh thần dân chủ đó? Đó là nhờ đạo Phật, vua là một Phật tử gương mẫu một bồ tát thị hiện giữa cuộc đời để giúp dân, dựng nước. Chính vì
thấm nhuần tinh thần Phật giáo và áp dụng tinh thần Phật giáo vào việc lãnh đạo quốc gia nên vua Trần Nhân Tông đã biết thương yêu dân, có tinh thần dân chủ, xây dựng được sự đoàn kết dân tộc và kiến tạo một quốc gia hùng mạnh, vinh quang. Sử xưa còn ghi rõ:
“Phật giáo đã có ảnh hưởng rất nhiều đến trí não của các vua nhà Trần, cho nên từ cung cấm, triều đình ra tới ngoài dân dã đều có một sự gần gũi và thân mật thành thực trong những khi thái bình thịnh trị cũng như khi gặp nạn ngoại xâm.”
Sau khi đánh tan giặc Mông Cổ và trùng tu kiến thiết đất nước, năm 1293 vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con và lên làm thái thượng hoàng. Làm cố vấn chính trị cho con được vài năm thì đến năm 1299 vua vào tu ở núi Yên Tử lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà. Vua là một cao tăng tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử và tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm.
Vua có ý định xuất gia từ lâu nhưng vì nặng gánh giang sơn và triều đại nên đến khi ấy mới thực hiện được chí nguyện tha thiết ôm ấp từ thời niên thiếu. Thời còn làm vua, tuy chưa xuất gia nhưng vua đã ăn chay trường và tinh tấn học Phật, ngồi thiền. Một hôm, vua có mời Văn Túc Vương Đạo Tái đến ăn cơm, vua cho dọn những cao lương mỹ vị để đãi Đạo Tái nhưng vua vốn ăn chay nên chỉ ngồi nhìn Đạo Tái ăn. Vua có làm một bài thơ như sau:
Món quy cước đỏ thắm
Món mã yên vàng thơm
Sơn tăng giữ tinh giới
Cùng ngồi không cùng ăn
Ngồi trên ngai vàng làm chủ cả một vương quốc thế mà vua đã tự xưng là sơn tăng và giữ tinh giới thì đủ biết vua là một cư sĩ gương mẫu biết bao nhiêu! Ý nguyện xuất gia làm tăng sĩ của vua rất mãnh liệt. Vì bị trở ngại nhiều, nỗ lực nhiều mới thực hiện được ý nguyện này nên ngày xuất gia của vua là một buổi lễ long trọng. Để kỷ niệm ngày xuất gia của vua, trong toàn quốc được phát hành cuốn Phật giáo pháp sư đạo tràng công văn cách thức, một cuốn sách nhắm đến việc thống nhất các hình thức lễ nghi của Phật giáo đương thời. Như đã nói, vua Trần Nhân Tông xuất gia làm tăng sĩ và trở thành tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử, một thiền phái lớn nhất đời Trần và khi vua trở thành tổ của thiền phái này thì thiền phái này trở thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái tụ hội và hợp nhất mọi tông phái để hình thành nền Phật giáo Nhất Tông hay nền Phật giáo thống nhất đời Trần.
Nguyên từ thuở mới du nhập vào nước ta thì Phật giáo nước ta đã là Phật giáo đại thừa, trong đó thiền tông là tông phái thành đạt nhất vì những đệ tử của thiền tông phần lớn đã trở thành những người lãnh đạo sinh mệnh văn hóa và chính trị quốc gia. Các tông phái khác như độ tông và mật tông là hai tông phái lớn phát triển mạnh mẽ trong nhân gian nhưng không có được nhiều ảnh hưởng trong giới vua quan và trí thức nên chỉ trở thành một tín ngưỡng bình dân phụ thuộc vào thiền tông vì chính thiền tông cũng đã tiếp thu được tất cả những tinh hoa của tịnh độ tông và mật tông. Suốt dọc dài của lịch sử nước ta, tông phái lớn nhất, đại biểu trọn vẹn và duy nhất cho Phật giáo chính là thiền tông. Thiền tông đối với dân tộc ta không những là một tông giáo, một trào lưu văn hóa mà còn là một thế lực xã hội và chính trị, dũng mãnh hùng tráng đi vào đời, tích cực hành hoạt trong cuộc đời để giúp dân dựng nước.
Thuở mới du nhập đạo Phật vào Việt Nam, nước ta đã có nhiều thiền sư lẫy lừng truyền cả đạo thiền đến Trung Hoa và thuyết pháp cho vua quan và trí thức Trung Hoa, nhưng những thiền sư Việt Nam trong những thế kỷ thứ 1, 2, 3, 4 và 5 không xây dựng một thiền phái nào cả hoặc là có nhưng đến nay không còn một dấu vết nào. Về sau, cuối thế kỷ thứ 6 xuất hiện thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi do thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi gốc Ấn Độ sáng lập. Thiền phái này truyền nối nhau được 19 đời và đã đào tạo được nhiều thiền sư lỗi lạc góp phần rất lớn vào sự nghiệp của dân tộc và đạo pháp như các thiền sư Pháp Hiền, Huệ Nghiêm, Thanh Biên, Long Tuyền, Định Không, Thông Thiên, La Quý An, Pháp Thuận, Thiền Ông, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Minh Không… Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng bát nhã, tam luận và hoa nghiêm, có nhuốm màu sắc mật tông, theo tinh thần không lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh luận, có khuynh hướng nhập thế giúp dân cứu nước. Đây là một thiền phái đậm đà đặc chất dân tộc, gần gũi quần chúng nghèo khổ và cũng làm say mê giới trí thức, vua quan. Vừa mang nặng tinh thần dân tộc nhưng thiền phái này cũng biểu lộ rực rỡ sự giải thoát tâm linh siêu việt của Phật giáo.
Thiền phái thứ hai ở nước ta là thiền phái Vô Ngôn Thông do thiền sư Vô Ngôn Thông gốc người Trung Hoa sáng lập. Lúc còn ở Giang Tây khi nghe thiền sư Bách Trương nói: “Tâm địa nhược thông tuệ nhật tự chiếu (mặt đất của tâm không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến) ông bỗng nhiên đại ngộ. Thiền phái này có màu sắc tịnh độ tông và có ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Thay vì chỉ sử dụng các kinh bát nhã, các thiền sư của thiền phái này còn sử dụng các kinh điển khác như kinh viên giác, pháp hoa… Họ nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ và vô đắc vốn gần gũi với giáo lý thiền phương nam Trung Hoa, do tổ Huệ Năng khởi xướng. Nhưng khác với các thiền phái Trung Hoa, thiền phái Vô Ngôn Thông cũng như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã mang tính chất dân tộc sâu đậm rất gần gũi với đời sống nhân gian, thích hợp với sinh hoạt xã hội trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình. Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền nối nhau được 17 đời và đã sản sinh cho Việt Nam nhiều thiền sư tài ba xuất chúng về mặt chính trị cũng như mặt văn hóa, đó là các thiền sư Cẩm Thành, Thiên Hội, Vân Phong, Khuôn Việt, Đao Bảo, Định Hướng, Thiền Lão, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Thông Biên, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Đao Huệ, Thường Chiếu, Thần Nghi, Ẩn Không, Tiêu Diêu, Nhất Tông…
Thiền phái thứ ba ở nước ta là thiền phái Thảo Đường do thiền sư Thảo Đường, một người gốc Trung hoa sáng lập. Đặc điểm của thiền phái Thảo Đường là chủ trương dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo, có khuynh hướng văn học, thi ca nhằm hoằng dương thiền học trong giới trí thức, đưa Nho gia đến gần đạo Phật và trở nên Phật tử. Thiền phái này truyền nối được 6 đời và có nhiều đệ tử thuộc những người lãnh đạo quốc gia như vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông. Dưới đời Lý, thiền phái Thảo Đường tuy có vua quan ủng hộ nhưng không có cơ sở trong quần chúng mà chỉ có ảnh hưởng về mặt học thuật, tư tưởng thi ca.
Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là phái khai sinh nhà Lý qua thiền sư Vạn Hạnh nhưng đến cuối đời nhà Lý thiền phái này đã suy vi không còn có những thiền sư lỗi lạc nữa. Khi ấy chỉ còn thiền phái Vô Ngôn Thông là có nhiều sinh lực nhất. Tổ đời thứ 12 của thiền phái này là thiền sư Thường Chiếu là người đã khởi đầu cho sự tổng hợp ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường và chính thiền sư là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Thiền sư Thường Chiếu là tổ thứ nhất của thiền phái tổng hợp, thống nhất, cũng như duy nhất của Phật giáo đời Trần là thiền phái Yên Tử, mà vua Trần Nhân Tông hay Trúc Lâm đầu đà là đệ tử và là tổ đời thứ 6.
Thiền sư Thường Chiếu, một đệ tử của thiền phái Vô Ngôn Thông lại là trú trì ở chùa Lục Tổ, tổ đình của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ở đây ông có rất đông đệ tử, trong đó có những người lỗi lạc như thiền sư Hiên Quang, Thần Nghi, cư sĩ Túc Lư. Ông là người có đạo học uyên thâm. Bài kệ ông đọc khi mất biểu lộ được phong thái, tâm hồn của một người đã giải thoát:
Đạo vốn không nhan sắc
Mà ngày càng gấm hoa
Trong ba ngàn cõi ấy
Đâu chẳng phải là nhà.
Sau khi thiền sư Thường Chiếu viên tịch, đệ tử là thiền sư Hiên Quang đi chu du trong giới thiền lâm để cầu học và được thiền sư Trí Không và thiền sư Pháp Giới truyền dạy. Ông là người khôi ngô, tuấn tú và được công chúa Hoa Dương hay lui tới cúng dường nên bị thiên hạ dị nghị, vì vậy ông bỏ vào rừng sống cô độc trong 10 năm. Đi kinh hành trong rừng ông mang theo một bao vải, đến nơi thích hợp ông trải ra ngồi thiền, loài dã thú không hề xúc phạm. Vua Lý Huệ Tông nghe tiếng cho mời vào cung ông trả lời:
“Bây giờ Phật pháp đang hưng thịnh, các bậc sư trưởng trong đạo nhiều người đang tụ tập ở kinh đô, điện các mời ông thầy tu thô lậu, áo rách trong núi về kinh làm gì.”
Nói rồi quyết không xuống núi. Thiền sư Hiên Quang chính là tổ khai sơn chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, về sau, dưới đời các vua Trần, đã trở thành linh hồn và thủ đô của nền Phật giáo thống nhất đời Trần.
Thiền sư Hiên Quang là người tinh tấn tu hành và chắc hẳn đã chứng đắc. Ông thường nói:
“Nếu ta không lấy nhẫn nhục làm áo giáp và tinh tấn làm khí giới thì ta không thể nào phá được ma quân phiền não và đạt được quả giác ngộ vô thường.”
Năm 1220 ông ngồi thiền trên phiến đá đọc bài kệ sau đây rồi mất:
Pháp huyễn đã là huyễn
Tu huyễn cũng là huyễn
Lìa được hai huyễn ấy
Là lìa được mọi huyễn.
Tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử là thiền sư Trúc Lâm người mà năm 1236 vua Trần Thái Tông đã bỏ cả ngai vàng để xin đến xuất gia làm đệ tử. Năm 1248 vua Thái Tông mời thiền sư về kinh đô để kiểm điểm lại các bộ kinh và lục trước khi đem khắc bản gỗ để ấn hành. Vua Trần Thái Tông đã coi thiền sư là thầy của mình và tôn thiền sư làm quốc sư. Cùng thiền sư Trúc Lâm, như ta đã biết, đã khai thị cho vua Trần Thái Tông và qua đó đã có công rất lớn trong việc xây dựng một dân tộc Việt hùng mạnh, vinh quang và một đạo Phật Việt hưng thịnh, sinh động trong đời nhà Trần.
Tổ thứ ba của thiền phái Yên Tử là thiền sư Đại Đăng, anh em đồng sư của vua Trần Thái Tông. Thiền sư được vua phong làm quốc sư.
Tổ thứ tư của thiền phái Yên Tử là thiền sư Tiêu Diêu, ông là đệ tử của thiền sư Đại Đăng nhưng đắc pháp với thiền sư Ưng Thuận của thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư Tiêu Diêu là thầy của Tuệ Trung Thượng Sĩ, một trong những ngọn đuốc sáng nhất của thiền học Việt Nam và là thầy của vua Trần Nhân Tông. Tuệ Trung vô cùng khâm phục thiền sư Tiêu Diêu, ông gọi thiền sư là Phật sống trong một bài thơ của ông :
Cho hay Phật sống trần gian đấy
Sen nở trên lò rực lửa hồng.
Bạn đồng song của thiền sư Tiêu Diêu là vua Trần Thánh Tông, pháp tử chính thức của thiền sư là thiền sư Huệ Từ nhưng chính Tuệ Trung mới là học trò cự phách nhất của thiền sư Tiêu Diêu.
Tuệ Trung là con của Trần Liễu (anh của vua Trần Thái Tông). Tên thật của ông là Trần Quốc Tung, tước hiệu là Hưng Ninh Vương. Ông là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như của hoàng hậu Thiên Cẩm. Từ thuở nhỏ ông đã có một phong thái thuần hậu cao thượng, phóng khoáng và sùng mộ đạo Phật. Vua Trần Thánh Tông rất kính mến, yêu quý ông và ký thác thái tử, tức là vua Trần Nhân Tông, cho ông giáo hóa. Bởi vậy sau này thượng tướng Trần Khát Chân đã tán thán rằng: “Thượng Sĩ (đồng nghĩa với bồ tát) là ngọn đèn tổ của Phật Hoàng (vua Trần Nhân Tông). Phật Hoàng nhờ ngài mà thành đạo chánh quả.” Còn học trò của ông là vua Trần Nhân Tông đã viết về thầy mình như sau:
“Thượng Sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm, trong mọi cuộc tiếp xúc, thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền ngịch. Do đó, ngài có thể làm tiếp nối hạt giống chánh pháp dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với ngài cũng được ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có thể nương tựa. Thượng sĩ không bị ràng buộc bởi hình thức khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện, ngài không chấp vào hình thức và danh từ.”
Sự tự do phóng khoáng và phá chấp của Tuệ Trung đã đạt đến mức siêu dị, gần như ngông cuồng nhưng đây là cái siêu dị và ngông cuồng của những người đã chứng ngộ và giải thoát. Em gái Tuệ Trung là hoàng hậu Thiên Cẩm một hôm mời ông vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu ngạc nhiên hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt ăn cá thì làm sao thành Phật được?” Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh, anh không cần làm Phật, Phật không cần làm anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”
Tuy được xưng tụng là bồ tát nhưng Tuệ Trung không phải là tăng sĩ, mà chỉ là một cư sĩ, một thiền sư tại gia. Tuệ Trung không phải là thiền sư cư sĩ duy nhất chứng ngộ, trước ông đã có thiền sư cư sĩ Ứng Thuận, thầy của thiền sư Tiêu Diêu, thiền sư Giới Minh, thiền sư Giới Viên và quốc sư Nhất Tông. Trước đó nữa có thiền sư Thần Nghi, tu phẩm hạnh, giữ giới luật nghiêm minh nhưng không cạo đầu mà lại để tóc dài và trước đó nữa, đã có thiền sư Thường Chiếu, người làm gạch nối giữa Phật giáo ba tông phái đời Lý và Phật giáo Nhất tông đời Trần đã chủ trương “tùy tục”, “làm giống như cuộc đời”. Nhưng trước tất cả hết, cùng thời với đức Phật đã có cư sĩ Duy Ma Cật, một con người siêu dị vĩ đại,
một con người tuyệt luân, độc sáng, đã từng thuyết pháp khai thị cho những đại đệ tử của Phật như các ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Na Luật, Ưu Bà Ly, Di Lặc… Cư sĩ hay Phật tử Duy Ma Cật đã chủ trương tùy tục, làm giống như mọi người, nghĩa là cũng có vợ con, tài sản, đi vào đời bụi bặm, phiền não để cứu người, độ người. Trình độ trí huệ, thần thông và sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của cư sĩ Duy Ma Cật vĩ đại hơn tất cả những đại đệ tử của Phật. Nhưng Duy Ma Cật vẫn là một cư sĩ, một Phật tử sống bình thường ở đời như tất cả chúng ta. Tuy không xuất gia làm tăng sĩ, tuy mang hình tướng và hành hoạt như người đời nhưng cư sĩ Duy Ma Cật chính là một vị cổ Phật, một vị Phật đã thành từ vô số kiếp trước. Ngài xuất hiện ở đời dưới lớp áo cư sĩ để âm thầm hỗ trợ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoằng pháp độ sinh.
Cư sĩ Duy Ma Cật và cư sĩ Tuệ Trung, hai con người ở trong hai thời đại khác nhau nhưng đều chung một tâm thức và một phong thái, đó là tâm thức Phật và phong thái bồ tát. Đối diện với con chim phượng hoàng Duy Ma Cật, Xá Lợi Phật hay Bồ Đề Đạt Ma chỉ là những cánh chim hải âu, và trước Tuệ Trung, Trúc Lâm Đầu Đà phải quỳ xuống đảnh lễ.
Nhưng tùy tục hay không tùy tục, làm giống như cuộc đời hay làm khác đời, trộn lẫn với bụi hồng hay hòa tan với hư không, vung tay ung dung xuống chợ hay nghêu ngao quẩy gánh lên rừng, đối với Duy Ma Cật hay đối với Thường Chiếu, Thần Nghi, Ứng Thuận, Tuệ Trung, những con người đã tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát hoàn toàn không có gì sai khác, bởi vì:
Khi mê thấy không, sắc
Khi ngộ hết sắc không
Sắc không và mê ngộ
Xưa nay một lẽ đồng.
Đối với những con người siêu việt này, không còn Phật pháp nữa, không còn y áo, kinh kệ, giới luật nữa. Họ đã ngồi ung dung uống trà trong nhà Như Lai, đã thanh thoát rong chơi dưới ánh trăng Giác Ngộ:
Đến nhà còn hỏi đường làm chi
Thấy trăng thôi khỏi cần tay chỉ
Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể thành Phật, bởi vậy tất cả chúng ta đều có thể thành Duy Ma Cật hay Tuệ Trung. Phật pháp, y áo, kinh kệ, giới luật đều chỉ là con đường, đều chỉ là ngón tay. Nhờ con đường đó mà ta đến nhà Như Lai, nhờ ngón tay đó mà ta thấy trăng Giác Ngộ. Đã đến nhà Như Lai, đã thấy trăng Giác Ngộ mới không cần con đường và ngón tay chỉ, mới không cần Phật pháp, y áo, kinh kệ, giới luật. Còn nếu như chưa đến, chưa thấy mà không nương nhờ vào đó thì thuyền nào đưa ta qua sông! Hãy nhớ những Tuệ Trung tương lai, những Duy Ma Cật tương lai, những đức Phật tương lai:
Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan
Lìa kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.
(Dựa vào kinh điển mà giải nghĩa tức là nói oan cho chư Phật ba đời. Bỏ kinh một chữ tức là đi vào con đường ma quỷ)
Tổ thứ 5 của thiền phái Yên Tử là thiền sư Huệ Tuệ, bạn đồng sư của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Vua Trần Nhân Tông là đệ tử của Tuệ Trung và là người kế truyền của Huệ Tuệ để làm tổ thứ 6 của thiền phái Yên Tử. Từ đó trở đi thiền phái Yên Tử trở nên nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng trùm khắp nhân gian trên khắp cả nước. Trần Nhân Tông là một vị vua đã có một sự nghiệp dựng nước và giữ nước lẫy lừng, khi đã xuất gia và làm tổ của thiền phái Yên Tử, lại có con là đương kim hoàng đế thì chắc chắn Nhân Tông và thiền phái Yên Tử đã gây được một tiếng vang lớn, một uy thế lớn đối với toàn dân. Trước đó, đạo Phật đã là yếu tố liên kết nhân tâm, là chủ lực của một nền văn hóa dân tộc độc lập trên đó một quốc gia Việt Nam hưng thịnh được hình thành. Nhưng kể từ đây đạo Phật Việt và dân tộc Việt mới chính thức trở thành một tổng thể bất khả phân ly và sinh mệnh của dân tộc cùng với sinh mệnh của đạo pháp mới chính thức trở thành một giòng sinh mệnh. Vua Trần Nhân Tông hay Trúc Lâm Đầu Đà là người tụ hội và hợp nhất quốc gia và Phật giáo, dân tộc và đạo pháp. Thủ đô văn hóa, chính trị của Đại Việt là kinh thành Thăng Long nơi trị vì của một vị quân vương bồ tát tích cực hỗ trợ chánh pháp là vua Trần Anh Tông và thủ đô tinh thần, tâm linh của Đại Việt là Yên Tử, nơi trú trì của thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm Đầu Đà. Cuộc đời xuất gia của Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động tích cực. Trúc Lâm thường đi vân du hoằng pháp khắp nước. Sách Tam tổ thực lục ghi rằng:
“Điều Ngự (Trúc Lâm) đi khắp mọi nẻo thôn quê khuyên dân phá bỏ các dâm từ, thực hành giáo lý thập thiên”
Giáo lý thập thiên tức 10 điều thiên là nội dung chính của nền luân lý xã hội Phật giáo. Việc rao giảng đích thân giáo lý thập thiên khắp nhân gian chứng tỏ rằng Trúc Lâm không những muốn xây dựng và đã thành công một nền chính trị theo chánh pháp mà còn nỗ lực xây dựng một xã hội thuần từ, nhân hậu đặt nền tảng trên nền luân lý từ bi và nhân bản của đạo Phật. Trúc Lâm cũng đã lập tràng giảng pháp độ tăng môn đồ các đến hàng chục ngàn người.
Năm 1301 Trúc Lâm đã đi đến tận Chiêm Thành để quan sát Phật giáo tại đây cũng như để xây dựng tình thân hữu và nền hòa bình giữa hai dân tộc Phật giáo Chiêm – Việt. Trong dịp này Trúc Lâm đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành. Vua Chiêm đã dâng hai châu Ô và Lý (tức hai châu Thuận và Hóa) để làm sinh lễ và công chúa đã về nhà chồng năm 1306.
Năm 1304 vua Trần Anh Tông thỉnh Trúc Lâm vào đại nội để thọ giới bồ tát tại gia. Những bậc quân vương thọ giới bồ tát tại gia là những vị vua phát nguyện dùng khả năng và quyền hạn của mình để phục vụ sinh dân theo đại nguyện độ sinh của bồ tát.
Đóng góp lớn nhất của Trúc Lâm là xây dựng một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tích cực, ảnh hưởng rộng lớn trên văn hóa, chính trị, xã hội và phong hóa của quốc gia. Là một bậc quân vương khi còn là cư sĩ, Trúc Lâm đã trở thành một vị tăng thống tuyệt hảo, có đầy đủ tài ba, phong độ và đạo đức để xây dựng một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tích cực. Với Trúc Lâm thiền phái Yên Tử trở thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà nhà vua là đệ nhất tổ. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thành công trong việc tổng hợp mọi thiền phái khác và mọi tông phái khác để hình thành một nền Phật giáo Việt Nam nhất tông, thống nhất và duy nhất, lấy tư tưởng và tinh thần dũng hoạt, siêu thoát của thiền đại thừa làm yếu tố chủ đạo và chỉ đạo.
Tuy Trúc Lâm là một nhà hành động hơn là một nhà lý thuyết, nhưng Trúc Lâm đã có một kiến thức uyên thâm về Phật pháp và đã để lại một số tác phẩm Phật học giá trị như các cuốn Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc lâm hậu lục, Thánh thất, Mi ngữ, Đại hương hải ân thi tập, Tăng già toái sự…
Năm 1308, Trúc Lâm để lại một bài kệ và mất trên núi Yên Tử:
Mọi pháp đều không sinh
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiên tiên
Chẳng đi cũng chẳng lại.
Vua Trần Anh Tông dâng tôn hiệu cho ngài là “Đại thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự tổ Phật.”
THIỀN SƯ PHÁP LOA (1284 – 1330)
Trúc Lâm là tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người làm tổ thứ hai của thiền phái này là thiền sư Pháp Loa. Pháp Loa thuở nhỏ rất thông minh hiền từ, không ăn cá thịt. Năm 1304 khi 21 tuổi ông gặp Trúc Lâm được Trúc Lâm khen ngợi là: “Người trai trẻ này có đạo nhãn sau này chắc sẽ trở thành pháp khí.”
Cùng năm đó ông đi xuất gia với Trúc Lâm và được gửi tới tham học với hòa thượng Tánh Giác. Một hôm nhân thấy hoa đèn rụng ông liền đại ngộ. Ông đem chỗ sơ ngộ ấy trình lên Trúc Lâm và được ấn chứng. Năm 1305 ông được Trúc Lâm cho thọ giới tỳ kheo và bồ tát và cho hiệu là Pháp Loa. Năm 1306 ông được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại. Năm 1307 trong một buổi lễ lớn có sự hiện diện của vua Trần Cao Tông và toàn thể triều đình, ông được Trúc Lâm long trọng trao y bát và tâm kệ để làm người kế truyền chính thức của Trúc Lâm. Như vậy ông đắc pháp và trở thành tổ của thiền phái Trúc Lâm, của nền Phật giáo thống nhất và đương nhiên trở thành quốc sư và tăng thống chỉ sau hơn ba năm tu học. Khi đó ông chỉ mới 24 tuổi. Trúc Lâm biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên ông đã giao phó, tuy hơi vội vã nhưng rất cần thiết, cho Pháp Loa nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội của một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tích cực tại Việt Nam.
Sau khi Trúc Lâm mất, thiền sư Pháp Loa được tôn xưng là quốc sư, chính thức trở thành một vị tổ và một tăng thống. Ông đã thi hành sứ mạng trọng đại này một cách hoàn hảo trong suốt 23 năm. Cuộc đời hành đạo của ông cũng tích cực và hữu hiệu không kém gì của Trúc Lâm. Trong thời ông, Phật giáo ở nước ta vô cùng thịnh đạt, phong trào Phật học lan rộng khắp toàn nước và khắp nhân gian. Số người xuất gia và quy y tăng nhanh chóng vượt quá sức tưởng tượng. Riêng thiền sư Pháp Loa đã độ cho hơn 15000 tăng sĩ, trong đó có đến 3000 người đắc pháp. Số lượng chùa, tháp và tượng Phật cũng được xây dựng rất nhiều không đếm xuể. Kinh sách cũng được ấn hành rất nhiều, việc nghiên cứu, sáng tác trong nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc khắc bản gỗ đại tạng kinh gồm hơn 5000 quyển mất đến 24 năm và được in năm 1329. Không những là một nhà lãnh đạo giáo hội tài ba, thiền sư Pháp Loa còn là một học giả lớn một nhà tư tưởng lớn của Phật giáo Việt Nam. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như Thạch thất mỹ ngữ niệm tụng, Tham thiền yếu chỉ, Kim cương trường đà la ni kinh khoa chú, Pháp hoa kinh khoa sớ, Lăng già kinh khoa sớ, Bát nhã tâm kinh khoa sớ, Pháp sự khoa văn, Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục, Đồ môn tro thành lập, Nhân vương hộ quốc nghi quy.
Năm 1330 thiền sư Pháp Loa mất và bài kệ ông đọc trước khi mất là:
Vặn giây cắt đứt tấm thân nhàn
Hơn 40 năm mộng đã tàn
Giả hết! xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
THIỀN SƯ HUYỀN QUANG (1254 – 1334)
Quốc sư Pháp Loa mất, thiền sư Huyền Quang trở thành tổ đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm và là người lãnh đạo giáo hội Phật giáo thống nhất và nhập thế tích cực đời Trần. Tuy là người kế truyền của Pháp Loa nhưng Huyền Quang lớn hơn Pháp Loa đến 30 tuổi, khi Pháp Loa mất năm 47 tuổi thì Huyền Quang đã 77 tuổi. Sách Tổ gia thực lục ghi khá đầy đủ về cuộc đời của thiền sư Huyền Quang. Cuốn sách này cũng có một lịch sử li kỳ. Khi bọn giặc Minh qua xâm lăng nước ta (đầu thế kỷ 15) sách Tổ gia thực lục bị tên thượng thư Hoàng Phúc ăn cướp đem về Tàu. Hoàng Phúc thường nằm mộng thấy Huyền Quang hiện ra và bảo phải gửi trả sách về Đại Việt, y nghe theo nhưng không có dịp làm. Thấy Huyền Quang linh ứng, y sợ hãi phải lập chùa để thờ, tên chùa là An Nam Thiền Sư Huyền Quang tự. Mãi đến thế kỷ 16, binh bộ thị lang nước ta là Lê Quang Bí đi sứ sang Tàu gặp được cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa mới nhận được sách đem về. Hoàng Thừa đem trả sách vì chính y cũng thường nằm mộng thấy Huyền Quang nhiều lần bảo y phải trả sách về Đại Việt. Xem truyện này đủ thấy tổ tiên ta linh thiêng đến chừng nào và quan tâm vô cùng đến việc bảo vệ và truyền bá văn hóa lịch sử dân tộc. Ngài Huyền Quang sinh trong thế kỷ 13, mất trong thế kỷ 14 và chắc đã được về Phật quốc, nhưng vì có một kiếp được sinh ra ở nước Đại Việt, làm dân của Đại Việt, ăn cơm, hưởng lộc, đắc pháp ở nước Đại Việt nên suốt trong những thế kỷ 15, 16 ngài đã hiện đến bảo bọn giặc cướp phải trả sách của Đại Việt về nước Đại Việt. Sự linh thiêng của ngài không làm ta cảm động bằng cái tấm lòng, cái tình thủy chung với đất nước của ngài. Chúng ta ngày nay nếu coi thường sách vở của cha ông, không quan tâm đến việc bảo vệ và truyền bá văn hóa lịch sử của nước nhà thì vừa đắc tội với tiền nhân vừa phụ lòng ngài Huyền Quang vậy.
Về thiền sư Huyền Quang, sách Tổ gia thực lục viết rằng:
“Ông thế mạo kỳ dị mà có chí khí của bậc vĩ nhân. Cha mẹ ông rất yêu quý, dạy cho học văn chương. Ông nghe một biết mười, có tài của Nhan Hồi á thánh do đó ông được cha mẹ đặt tên là Tái Đạo. Năm 20 tuổi ông thi đậu kỳ thi hương, sang năm sau đậu thủ khoa kỳ thi hội (trạng nguyên).”
Trước khi thi đỗ, mẹ ông có đính hôn cho ông nhưng trắc trở mãi. Đến khi thi đỗ thì các nhà quyền quý tranh nhau xin gả con gái cho ông, vua cũng định gả công chúa Liễu Hạ cho ông nhưng ông đều từ chối. Cảm khái về nhân tình thế thái, ông có làm hai câu thơ:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.
Ông làm quan trong triều, thường tiếp sứ Tàu, ứng đối mau lẹ như nước chảy. Ông là một tay văn chương cự phách, vua Trần Nhân Tông phải khen phàm sách đã qua tay ông biên soạn, hiệu khảo thì không thể thêm hay bớt một chữ nào. Chán chê công danh, say mê đạo Phật ông từ quan và xuất gia năm 1305. Lúc Trúc Lâm còn sống, ông là phụ tá cho Trúc Lâm và rất được yêu mến. Sau khi gặp Pháp
Loa và được Pháp Loa truyền tâm ấn, ông trú trì ở chùa Vân Yên núi Yên Tử. Tăng ni theo học cả ngàn người và được vua tôn xưng là quốc sư Huyền Quang là một cao tăng, giới hạnh cao nghiêm và đã chứng đắc. Huyền Quang mất năm 1334 và được vua Trần Minh Tông ban hiệu là Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Thiền sư Huyền Quang là một nhà thơ lớn cũng như rất nhiều thiền sư Việt Nam khác, ông đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều bài thơ bình dị, siêu thoát và tuyệt đẹp như bài thơ về hoa cúc sau đây:
Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung.
Huyền Quang tuy là đệ tam tổ của nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tích cực đời Trần nhưng nhận lãnh sứ mạng ông đã 77 tuổi. Mặt khác, ông đã từng làm quan 20 năm trong triều, chán ngán cảnh triều đình đô hội nên khi đã trở thành một lão tăng ông không thích trở lại những nơi chốn ấy, cũng như vì quá già yếu, ông không thể tích cực hoằng pháp trong nhân gian như đệ nhất tổ Trúc Lâm và đệ nhị tổ Pháp Loa. Ông an trú trên núi Côn Sơn vui thú tiêu dao, giải thoát như một bài thơ ông đã làm:
Củi hết lòng còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mở, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Đó đúng là phong thái của một thiền sư thi sĩ nhưng không thể là phong thái của một tăng thống lãnh đạo giáo hội. Trúc Lâm quả thật đã vô cùng sáng suốt khi chọn thanh niên Pháp Loa làm tổ kế truyền. Khởi từ cái tuổi 24, Pháp Loa đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh. Còn Huyền Quang, nhận lãnh sứ mạng năm 77 tuổi nên ông đã không thể nào làm tròn được.
Kể từ sau đời Huyền Quang trở đi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung đã bắt đầu suy vi và không còn lãnh đạo được sinh mệnh văn hóa, chính trị dân tộc. Yếu tố tinh thần liên kết nhân tâm và chủ lực tinh thần của nhà Trần bị suy yếu nên nhà Trần và quốc gia Đại Việt cũng bắt đầu suy yếu.
Thời vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) đồng thời với Trúc Lâm (Trần Nhân Tông) và quốc sư Pháp Loa cả quốc gia và Phật giáo đều rất hưng thịnh. Qua thời vua Trần Minh Tông, đồng thời với quốc sư Huyền Quang thì quốc gia và Phật giáo vẫn duy trì được sự hưng thịnh đó. Đến thời Trần Hiển Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, tức là vào nửa sau của thế kỷ 14 là thời tinh thần dung hợp, khai phóng của Phật giáo được thể hiện rực rỡ qua nền văn hóa tam giáo đồng nguyên bị thay thế bởi tinh thần độc tài, giáo điều cố chấp và hẹp hòi của Tống nho, là một nền Nho giáo đã thoái hóa, biến thể thành cái học từ chương khoa bảng, thì quốc gia Đại Việt cũng suy tàn đi. Bắt đầu từ giữa thế kỷ 14 trở đi, hào quang Đại Việt hùng khí Đại Việt vụt tắt.
Nhà Trần được khai sinh bởi một đại gian hùng và cũng là một tai đại thao lược đó là Trần Thủ Độ vào năm 1225, đến năm 1400 thì nhà Trần lại bị khai tử cũng bởi một tay đại thao lược và đại gian hùng
đó là Hồ Quý Ly. Đầu chân trời và cuối chân trời của một triều đại vinh quang nhất của dân tộc bị ngự trị bởi hai tay đại phù thủy chính trị, nhưng giữa bầu trời hùng vĩ, cao rộng và giữa thời đại dài lâu gần hai thế kỷ của triều đại nhà Trần dáng dấp hùng vĩ, phong thái siêu thoát của những thiền sư cùng với sự nghiệp giữ nước, dựng nước và hoằng dương chánh pháp vô cùng vĩ đại của những quân vương bồ tát. Ta có quyền tự hào rằng sự nghiệp nhà Trần chính là đỉnh cao nhất của sự nghiệp Việt Nam và sự nghiệp nhà Trần chính là sự nghiệp Phật giáo. Hay nói cách khác, sự nghiệp Phật giáo đã hình thành sự nghiệp nhà Trần và sự nghiệp Việt Nam.
ĐỜI NHÀ HỒ VÀ NHÀ MINH (1400 – 1407 và 1407 – 1427)
Đến cuối đời Trần, dân tộc và Phật giáo trở nên suy vi. Năm 1389 một tăng sĩ pháp hiệu là Thiên Nhiên tên tục là Phạm Sư Ôn đã nổi dậy khởi nghĩa và lôi kéo được sự ủng hộ rộng lớn của quần chúng Phật tử để chống lại chính quyền lúc ấy đang nắm trong tay Hồ Quý Ly. Phạm Sư Ôn đã vận dụng được tiềm lực của Phật giáo và dân tộc, ông đã chiếm được kinh đô Thăng Long và làm cả triều đình phải chạy trốn. Cuộc khởi nghĩa của ông đã xảy ra một năm sau khi âm mưu đảo chánh để loại trừ Hồ Quý Ly bị thất bại và rất nhiều triều thần, tướng lĩnh và tôn thất nhà Trần, tất cả đều là những Phật tử nhiệt thành, bị giết hại. Cuộc khởi nghĩa này được coi như một phong trào quật khởi của Phật giáo để giành lại quyền bính thực thụ cho nhà Trần, chấm dứt sự lộng hành của Hồ Quý Ly, xa hơn nữa, nó được quan niệm như ý thức quần chúng muốn phục hồi nền văn hóa khai phóng, dung hợp tam giáo đồng nguyên do đạo Phật thiền tông chủ đạo và chỉ đạo để chống lại sự độc tôn, độc tài của nền văn hóa, chính trị Tống nho do các nho sĩ vọng ngoại cổ súy và lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa của Phạm Sư Ôn bị Hồ Quý Ly dập tắt và cả phong trào quần chúng nhằm phục hưng đất nước cũng bị đàn áp. Vì cuộc khởi nghĩa này do một tăng sĩ lãnh đạo và cả phong trào này đặt nền tảng tinh thần trên Phật giáo nên Hồ Quý Ly đã đàn áp Phật giáo kịch liệt. Một trong những biện pháp đàn áp ấy là năm 1396 chính quyền ra lệnh phải hoàn tục tất cả tu sĩ Phật giáo dưới 50 tuổi. Đây là hành động đàn áp Phật giáo quy mô và ác liệt chưa từng có. Rõ ràng Hồ Quý Ly sợ tiềm lực Phật giáo đến nỗi phải đánh ngay vào gốc rễ của Phật giáo là tăng sĩ và chùa chiền. Hồ Quý Ly và nhóm nho thần đang được đắc chí, muốn đưa Phật giáo vào viện bảo tàng và biến chính đạo Phật, một suối nguồn tinh thần và văn hóa dũng mãnh, sinh động đã giúp bao triều đại giữ nước và dựng nước huy hoàng thành một món đồ cổ vô dụng, được thờ cúng lễ bái bởi những ông già trên 50 tuổi. Cùng với biện pháp đàn áp cực kỳ tàn độc thâm hiểm này, Hồ Quý Ly và giới Nho sĩ cầm quyền cho mở kỳ sát hạch tăng sĩ, dĩ nhiên họ là người ra đề và chấm bài. Tăng sĩ nào trúng tuyển được bổ làm tri cung (coi việc các cung), tri quan (coi việc các đền) và tri tự (coi việc các chùa). Nghĩa là họ đã biến những tăng sĩ già cả ít ỏi còn lại thành những công chức cho nhà nước. Thi tuyển tăng sĩ do nho sĩ ra đề và chấm bài thì cũng chẳng khác gì các tu sĩ Thiên Chúa giáo ra đề và chấm bài để tuyển lựa các tu sĩ Hồi giáo hay ngược lại! Cái kiểu thi cử, tuyển lựa này của nho sĩ dành cho tăng sĩ lại càng bi đát, khôi hài hơn vì trong khi các thiền sư rất thâm hiểu nho giáo thì các nho sĩ hầu như chẳng biết gì về Phật giáo cả.
Thời Phật giáo hưng thịnh, chính những ông vua Phật tử nhiệt thành đã hết lòng khuyến khích, nâng đỡ nho giáo, cho xây văn miếu, đúc tượng thờ Khổng tử, lập hàn lâm viện, mở mang trường học đào tạo nho sĩ và tổ chức thi cử để các vị nho sĩ này ra làm quan.
Mặt khác, thời đất nước mới hồi sinh, tái tạo, chưa có nhiều nhân tài, các thiền sư phải xông pha lo việc chính trị, ngoại giao, hành chính, giáo dục, văn hóa, xã hội nhưng đến khi có đủ nhân tài lo việc nước thì các thiền sư rút lui nhường chỗ cho lớp trí thức khoa bảng thấm nhuần tinh thần tam giáo
lãnh đạo quốc gia. Thế nhưng đến thời Nho giáo hưng thịnh và các nho sĩ nắm quyền trong nước thì chính họ lại cổ võ, thi hành một chính sách kỳ thị, đàn áp và tiêu diệt một cách quy mô và độc địa Phật giáo để độc quyền lãnh đạo quốc gia. Nhưng những nho thần vọng ngoại, vô ơn bạc nghĩa này đâu biết rằng chính việc kìm kẹp, đánh phá một tôn giáo dân tộc như Phật giáo, một nền văn hóa dân tộc, hùng tráng và siêu thoát như văn hóa Phật giáo đã làm quốc gia suy yếu rất nhiều và chỉ đưa dân tộc vào vòng nô lệ ngoại bang.
Có người cho rằng thời mà những biện pháp đàn áp Phật giáo nói trên được thi hành là thời của vua Trần Thuận Tông là một ông vua Phật tử để thanh lọc, chấn chỉnh Phật giáo. Lập luận này không đứng vững vì như ta đã thấy những biện pháp đàn áp này nhằm kìm hãm và tiêu diệt Phật giáo tận gốc rễ và toàn diện nhằm đưa Phật giáo vào viện bảo tàng như một đồ cổ lỗi thời chớ không phải nhằm thanh lọc để chấn hưng Phật giáo. Mặt khác, tuy những biện pháp này được thi hành năm 1396 dưới đời vua Trần Thuận Tông nhưng thật ra vua Trần chỉ là bù nhìn, hư vị, tất cả quyền hành đều ở trong tay Hồ Quý Ly và lớp nho thần cho nên đây là những biện pháp do họ ban hành nhằm vừa làm suy yếu tiềm lực quần chúng của Phật giáo mà đã một lần một tăng sĩ đã vận dụng để khởi nghĩa chống lại họ, vừa nhằm củng cố một cách an toàn và lâu dài sự độc tôn, độc tài về văn hóa, chính trị của họ. Ngoài ra chính vua Trần Thuận Tông cũng không phải là một Phật tử, cha ông của Trần Thuận Tông là những đại thiền sư và đại Phật tử nhưng Thuận Tông đã phản bội truyền thống thiền tông và Phật giáo của tổ tiên để “đi tu tiên”. Sử ghi rằng:
“Quý Ly lập mưu cho người đạo sĩ vào cung, xin vua Thuận Tông nhường ngôi vua đi tu tiên. Thuận Tông liền nhường ngôi cho con mới có ba tuổi, tức là Trần Thiếu Đế.” Thế là Quý Ly cướp được ngôi vua và lập ra nhà Hồ.
Có lập luận khác cho rằng Hồ Quý Ly không phải là một nho sĩ cũng không phải là người tôn thờ nho giáo như vậy không có chuyện ông ta liên kết với giới nho sĩ để đàn áp, tiêu diệt Phật giáo. Hồ Quý Ly quả thật không phải là một nho sĩ, đặc biệt không phải là một người hấp thụ nền Tống nho, tức là cái nho học từ chương, giáo điều và chết cứng của đời nhà Tống nhưng ông ta có âm mưu cướp ngôi nhà Trần, mà nhà Trần thì ai cũng biết là triều đại dựa vào Phật giáo và được hưng thịnh nhờ áp dụng tinh thần dung hợp khai phóng của đạo Phật vào việc trị quốc an dân. Bởi lẽ đó, vì muốn cướp ngôi nhà Trần nên Hồ Quý Ly phải đánh vào nền tảng tâm linh, tinh thần văn hóa cũng như hậu thuẫn quần chúng của nhà Trần. Nhưng Hồ Quý Ly và đám tay chân của ông ta không thể nào làm nổi một chuyện lớn lao như thế cho nên vì quyền lợi ông ta đã phải liên kết với giới nho thần, là giới có chung quyền lợi trong việc đánh phá Phật giáo để tiến hành kế hoạch quy mô, toàn diện đàn áp và tiêu diệt Phật giáo Việt Nam. Ở điểm này ta phải thấy rằng một quy luật căn bản của chính trị mà chính trị gia gian hùng và lỗi lạc Hồ Quý Lý chắc chắn phải thấu triệt và sử dụng tài tình: “ta không thể nắm quyền và giữ quyền lâu dài nếu ta không có một chủ đạo chính trị và một chủ lực chính trị.” Nhà Trần đã lấy đạo Phật làm chủ đạo và lấy Phật tử làm chủ lực. Đây là một chủ đạo siêu việt và một chủ lực hùng hậu. Để đương đầu với chủ đạo và chủ lực này, Hồ Quý Ly bắt buộc phải chọn một chủ đạo và một chủ lực có tầm vóc, uy thế không đến nỗi sút kém lắm, đó là nho giáo và giới nho sĩ, đây là giới từ lâu bất mãn vì không được lãnh đạo quốc gia như ở Trung Hoa.
Hồ Quý Ly là một người yêu nước, một nhà cách mạng nhưng vì tham vọng cá nhân, chỉ thấy cái lợi trước mắt cho mình mà không thấy cái nguy hại lâu dài cho quốc gia nên ông đã đánh phá Phật giáo và vì vậy đã mắc một tội rất lớn, đó là tội phá nước và bán nước. Bởi vì Phật giáo Việt Nam qua hai
thời đại Lý Trần đã trở thành xương sống của một nền chính trị dân bản, nhân bản và hưng thịnh, là cốt tủy của nền văn hóa dân tộc độc lập, dung hợp và khai phóng, đồng thời là yếu tố liên kết nhân tâm và đoàn kết dân tộc không thể nào thiếu được. Đánh phá Phật giáo Hồ Quý Ly đương nhiên đánh vào nền chính trị văn hóa độc lập hưng thịnh này và làm nhân tâm ly tán, lòng người bất mãn. Đó là lý do chính tại sao Hồ Quý Ly có trong tay một triệu quân mà cũng không giữ được nước để cuối cùng làm mất nước về tay quân xâm lăng Trung Hoa. Nguyễn Trãi đã nói rõ nguyên nhân của cuộc kháng chiến thất bại của Hồ Quý Ly: “trăm vạn dân của Hồ là trăm vạn lòng” bởi vậy nên chưa đánh đã tan rã.
Phế bỏ vị vua nhà Trần cuối cùng là Trần Thiếu Đế, Hồ Quý Ly lên ngôi năm 1400, đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu, dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa và thi hành nhiều cải cách quan trọng, cấp tiến trên mọi lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chính và quốc phòng. Nhưng những cải cách có tính cách mạng này vì quá mới lạ, táo bạo lại được thi hành độc đoán, khắc nghiệt nên làm cho dân chúng thêm bất mãn và phẫn uất, lòng người thêm ly tán và chán ghét. Lúc ấy vào đầu thế kỷ 15, triều Minh Thái Tổ ở Trung Hoa trở thành một đế quốc hùng mạnh. Chính trong giai đoạn này, nhà Minh thực hiện cuộc chiến tranh xâm lăng nước ta. Tái diễn màn kịch Trần Di Ái của quân xâm lăng Mông Cổ trong thế kỷ 13, năm 1406 nhà Minh phái một đạo quân hộ tống tên Trần Thiêm Bình, một tên việt gian phản quốc lưu vong ở Tàu về nước để mong dựng lên một chế độ tay sai ở Đại Việt, nhưng đạo quân này đã bị quân đội nhà Hồ đánh tan và Trần Thiêm Bình bị bắt về kinh xử tội lăng trì (voi giày). Trước nguy cơ xâm lăng của đế quốc phương Bắc ngày càng đến gần, Hồ Quý Ly nỗ lực chuẩn bị kháng chiến Nhưng kém xa những phương thức chuẩn bị kháng chiến đa dạng, phong phú, đặc biệt nhằm vào việc động viên lòng người của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, những phương thức chuẩn bị kháng chiến của Hồ Quý Ly chỉ nhằm vào việc tuyển quân, sắm sửa khí giới, xây dựng chiến lũy…
Ngày 19 tháng 11 năm 1406, quân nhà Minh bắt đầu vượt biên giới ồ ạt xâm lăng nước ta. Tổng số quân giặc có đến 214.000 quân tác chiến và hàng chục vạn phu phục dịch. Quân xâm lăng gian manh đưa ra khẩu hiệu chính trị “Phù Trần diệt Hồ” nên nhiều nơi chưa đánh quân đội nhà Hồ đã tan rã. Ngày 22 tháng 01 năm 1407 quân giặc cướp chiếm được kinh thành Thăng Long và vài tháng sau đánh tan hoàn toàn quân đội nhà Hồ. Hồ Quý Ly cùng gia quyến, cận thần bị bắt sống đem về Tàu.
Sau khi đánh bại nhà Hồ, quân Minh thi hành một chính sách đô hộ, bóc lột, đồng hóa vô cùng ác độc, tàn bạo, dã man. Chúng phá hủy tất cả những thành quả lẫy lừng mà dân tộc ta đã thực hiện được trong suốt năm thế kỷ độc lập, đặc biệt là trong thời đại Lý Trần vinh quang. Chúng đạp nước ta vào vực thẳm đen tối của thời Bắc thuộc ô nhục.
Đàn áp, giết hại khủng khiếp, bóc lột vơ vét tối đa, đó là bước đầu của quân xâm lăng đô hộ, bước sau là chúng ra sức đồng hóa để vĩnh viễn thống trị nô dịch dân tộc ta, để vĩnh viễn đô hộ và sáp nhập lãnh thổ đất nước ta vào đế quốc Trung Hoa. Với mưu đồ độc ác nham hiểm đó chúng nỗ lực thủ tiêu những di sản văn hóa dân tộc, phá tan dấu vết kỳ vĩ của nền văn hóa Lý Trần, ráo riết thi hành chính sách đồng hóa. Triều Minh nhiều lần ra chỉ thị cho bọn quan đô hộ tịch thu tiêu hủy tất cả sách vở do người nước ta viết ra và phá hủy tất cả những di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc ta, thậm chí chúng còn ra lệnh tiêu hủy hay xóa mờ tất cả các bia đá ở trên nước ta. Chúng còn bắt dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán từ cách ăn mặc, cắt tóc theo lối Tàu đến học và nói tiếng Tàu. Đặc biệt trong chính sách Hán hóa Việt Nam của chúng, chúng cho du nhập ồ ạt, toàn bộ nền Tống nho, một
thứ nho học suy hóa, sa đọa vào nước ta và chỉ thị cho các huyện xã phải đưa người qua Tàu du học cũng như mở trường đào tạo một tầng lớp trí thức tay sai, vọng ngoại từ tâm hồn cho đến lề thói làm việc. Chính bọn trí thức bị Hán hóa và nho hóa này lúc ấy cũng như về sau đã tiếp tay cho quân xâm lăng tàn phá khốc liệt nền văn hóa, chính trị dân tộc, độc lập và độc đáo của Việt Nam ta. Sử chép rằng:
“Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang việc nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu, lập ra đền miếu bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu… Còn cái gì là di tích của nước mình như sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết” và “Nhà Minh bây giờ không những mở mang nho học mà thôi lại lập ra Tăng Cương Ty và Đạo Kỳ Ty để coi sóc những cái gì thuộc về đạo Phật và đạo Lão.”
Sợ những trước tác của dân tộc ta chưa bị phá hủy tịch thu hết, năm 1418 nhà Minh cho hai trí thức là Hà Thanh và Hà Thi sang nước ta để thu lượm cho kỳ hết tất cả những sách vở Đại Việt còn sót lại. Để thay thế cho sách Việt bị lấy mất hay bị tiêu hủy, nhà Minh cho chở sang nước ta những tác phẩm Trung Hoa đặc biệt là những sách vở về Nho học Trung Hoa cho người Việt đọc. Hậu quả của chính sách tiêu diệt văn hóa Việt Nam và sự nhập cảng nguyên vẹn văn hóa Trung Hoa của nhà Minh vô cùng độc hại, cực kỳ độc hại, độc hại không thể nào lường được và không thể nào xóa bỏ được, hậu quả của nó còn tồn tại để tàn sát tâm thức Việt và tư tưởng Việt cho mãi đến thế kỷ này, nghĩa là nó đã di hại trong suốt hơn 500 năm, từ thời nhà Hậu Lê, qua thời nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc. Sự độc hại và di hại của chính sách nô dịch văn hóa này khủng khiếp, khốc liệt và trầm trọng đến nỗi sau này dân tộc ta vùng dậy giành lại quyền tự chủ, độc lập về chính trị nhưng vẫn còn bị nô lệ về tinh thần và văn hóa.
Rõ ràng là về sau nhà hậu Lê và nhà Nguyễn đều lấy Nho học Trung Hoa để làm chủ đạo cho chính sách trị quốc, lấy cái hán nho nô lệ vong bản để chỉ đạo cho sinh mệnh văn hóa, chính trị quốc gia, kết quả là suốt 500 năm sau thời đại Lý Trần nước ta bị trầm luân mãi trong vòng u tối, suy vi để rồi bị mất nước về tay thực dân Pháp và bị một ý thức hệ phi dân tộc khác thống trị và sau cùng lại bị mất nước về tay một ý thức hệ phi dân tộc khác nữa nô lệ hóa đất nước và con người.
Triết lý của đạo Phật lấy từ bi làm gốc, tu cho bản thân và độ cho chúng sanh đã chinh phục được lòng tin của dân tộc Việt trong 2300 năm qua. Triết lý tín ngưỡng của người Việt cổ đại là thờ cúng ông bà. Khi dòng truyền pháp của vua Asoka (A Dục) đến Việt Nam, đã được người Việt dang tay đón nhận nồng nhiệt vì nó đã đáp ứng được tư tưởng nông nghiệp hiền hòa, văn hóa sống vì người, vị tha, nhớ ơn… đã bồi đắp thêm về phần khiếm khuyết lo cho người qúa vãng mà sự hiểu biết của dân tộc về thời điểm đó chưa biết làm sao để trọn vẹn với người vừa khuất. Đạo Phật đến như một niềm giải thoát, nương tựa về tinh thần, dủng mảnh trong hành động, ý chí kiên trì, nuôi dưởng tinh thần đề kháng giặc phương bắc nên tuy bị đô hộ trong ngàn năm vẩn vương mình vùng dậy ra khỏi Bắc thuộc thật hiên ngang và sau đó với sự hướng dẩn của đạo thoát ly tham dục, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… đã đưa đất nước phát triển cực thịnh và chống liên tục các cuộc xâm lăng của Bắc phương, đưa dân tộc trong một giai đoạn lịch sử : ngưỡng mặt với thế giới sau khi đánh tan đoàn quân xâm lược của Thành Cát Tư Hản, không phải chỉ một lần mà đến ba lần…
Cái công của Phật đạo với những thiền sư đối với dân tộc Việt thật là không nhỏ, người Việt hãy đặt trọn niềm tin và bền tâm giử vửng ý chí của cha ông mà chống lại các ý niệm ngoại lai như của Khổng Mạnh Tuân. Cái học này đã tiêm nhiểm trong lòng dân ta qua bao thế hệ, nó đến trong thời kỳ Bắc
thuộc và ở lại lâu dài, tác hại, phân hóa giửa những người Việt vì cái tính «Trung» giả dối, vì cái «Trung dung» không giới hạn trong tham vọng, là nguồn cội của những tranh dành, chém giết nhau từ bao thế kỷ qua…
Sự tiêu diệt lẩn nhau đến từ lòng tham của con người tự bản chất nhưng với Khổng giáo, nó mặc nhiên được trở thành ‘’Đạo đức và tài trí của người quân tử ‘’. Cái khôn vặt này trong một thời được hiện diện trong lòng sĩ phu VN dưới hình thức ‘’Tam giáo đồng nguyên’’ vì nó đến với đoàn quân xâm lăng và đã ở lại trong dân gian nên những nhà lảnh đạo dân Việt đã ở trong một sự đã rồi. Trong dân gian khi tiếp xúc Khổng giáo, vì thiếu dử liệu nên đã bị tiêm nhiểm những dối trá này, tất nhiên những điều hiểu biết của Việt tộc đã bị tiêu hủy hay bị tịch thâu đem về cất trong khố của Tàu, lâu sau họ đã đem ra xử dụng và nói là văn minh Trung Hoa, chủng Hoa Hạ chỉ ngồi trên lưng ngựa, xâm lăng, thâu gồm tài nguyên của thiên hạ làm vật riêng của mình mà thôi…
Nếu không có Phật giáo đi vào hiện diện trong dân gian thì cái ‘’Ta’’ của họ còn tác hại cho nhân loại đến dường nào…
Còn đạo Lão thì mơ mơ hồ hồ, chẳng rỏ ràng… Sau đó bị Hán nho rồi Tống nho vẽ cho lên thiên cung cùng với Hà Án, Vương Bật và đám đạo sĩ mà hù lừa dân mê tín, nào vẽ Phong thần, Liêu Trai Chí Dị…
Trở lại đạo Phật đến với dân tộc từ 2.300 năm qua, trước đó dân ta sống thế nào?
Nền văn minh Việt tộc còn lại những gì?
Vật chứng là trống đồng Ngọc Lủ của văn hóa Phùng Nguyên (2.000 – 1.500 năm trước Công Nguyên), trạm trổ đẹp mà ta thấy ở bảo tàng Guimet, được tìm thấy ở Đồng Sơn, Lạch Trường, Hậu Lộc, Thanh Hóa vào thập niên 1930 cùng với nhiều món đồ khác… chúng ta hãy tìm hiểu người Pháp nghĩ gì khi khai quật được di tích của tộc Việt tại Thanh Hóa :
‘’Bassin du fleuve Rouge que ce soit dans le delta ou dans la haute et la moyenne région. On en retrouve la trace jusque dans la province du Nghệ An au sud du Thanh Hóa. Par ailleurs, cette civilisation apparaît au centre d’un vaste contexte culturel qui relie les provinces chinoises du Guandong, du Guangxi et du Yuanan à l’ensemble de l’Asie du sud continent ainsi que l’Indonésie.
La métalurgie du bronze et attestée au VN dès la fin du culture de Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 avant notre ère) dont le site ont révélé des débris de bronze. Les techniques de font se perfectionnent durant les cultures de Đồng Dậu (bronze moyen 1.500 - 1.000 avant notre ère) et de Gò Mun (bronze supérieur 1.000 avant notre ère) dans une révolution de deux millénaires qui abouti à l’éclate culture de Đồng Sơn, cette dernière est contemporaine de la dynastie Zhou (700 – 221 avant notre ère) en chine.
Toutefois, les bronzes de Đồng Sơn différent profonfément des bronzes chinois par leurs formes, leur décor et leur qualité’’.
Tạm dịch :
Tại đồng bằng sông Hồng hay ở trung và cao nguyên. Người ta tìm ra những vết tích đến tận vòng đai Nghệ An phía nam Thanh Hóa. Tuy nhiên, nền văn minh này như nằm trong các vùng của tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam kéo dài đến tận Nam Dương.
Ngành luyện đồng được nhìn nhận tại VN bắt đầu từ thời Phùng Nguyên (2.000 – 1.500 năm trước Công nguyên), điểm kiếm được các mảnh đồng. Kỷ thuật luyện kim được trau dồi trong suốt thời văn hóa Đồng Dậu (Thời đại đồ đồng giữa 1.500 – 1.000 trước Công Nguyên) và tại Gò Mun (Thời đại đồ đồng muộn 1.000 trước Công Nguyên) trong sự tiến triển 2.000 năm đã đạt sáng chói nền văn minh Đồng Sơn, tương đương vào thời cận với nhà Chu bên Tàu.
Tuy nhiên, kỷ thuật tân tiến đồ đồng của văn hóa Đồng Sơn khác biệt sâu đậm so với đồ đồng của Trung Hoa về trang trí, mỹ thuật và phẩm chất’’.
Câu cuối này người Pháp ngấm ngầm khen tặng sự hiểu biết của tộc Việt ở cổ thời.
Trước Phật giáo, dân ta sống trong nề nếp của Việt Nho, chính Khổng Tử cũng đã lấy cái tinh tuý hay đẹp này mà viết Luận ngữ và nói rằng : « Những điều ta chỉ các người là nếp sống của người phương nam ». Hãy phân biệt Việt Nho cùng Hán Nho và Tống Nho…
Nền Việt Nho đã tồn tại trong 18 đời vua Hùng Vương, còn vươn lại ít nhiều qua truyền khẩu, vật chứng thì gần đây các nhà khảo cổ khai quật được cái qua là vật biểu tượng của một vị vua, trên đó khắc hai chử « Nhược Ngao » là tự của vua Hùng Vương thứ 14.
Mười tám đời vua Hùng, tồn tại trên 2.000 năm, trước Công Nguyên các đời vua thường truyền từ anh đến em, hết đời em mới đến đời con anh. Từ thời Chu Công Đán (em vua Chu Văn Vương) mới có lệ truyền tử. Có nghiã rằng : một đời vua Hùng gồm có nhiều vị vua…
Vì bị tiêu huỹ hết sách vở khi bị xâm lăng nên chúng ta không có nhiều dử liệu về đời vua Hùng nhưng với chứng vật của vua Hùng Nhược Ngao, trang sử bắt đầu được lật lại cho con cháu thấy rỏ dần cái công khó nhọc của tổ tiên khi dựng nước thế nào, giử nước ra sao qua bao cuộc nổi trôi…
Rồi đây khi lòng dân trổi dậy khi nhìn ra bản chất tay sai của chế độ vc, một đảng không vì dân, chỉ lo cho bản thân và quyền lợi của một thểu số, hãy dẹp đi bọn tay sai của giặc phương bắc, lúc đó chúng ta cũng mải nhớ đến câu mà thần Kim Quy nói với vua An Dương Vương : « Giặc ngồi ở sau lưng Bệ Hạ đấy » .
Tham khảo sách và trích đăng :
Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo (Lý Khôi Việt).
Phật giáo với dân tộc (Thiền sư Thích Thanh Từ).
Lịch sử Triết học Đông Phương (Nguyễn Đăng Thục).
Wiki Pedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét