Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

CẦU HIỀN số 02



CÀu   hiŠn
s 02

tiếng chim gọi đàn

²

m©i  g†i  h®p  soån

  lÎch 

  tܪng  viŒt

TIẾNG  CHIM  GỌI  ÐÀN
THƯ NGỎ 1
-- Xin được gửi đến Qúi vị độc giả và Bằng hữu bốn phương --

 Địa chỉ cộng tác viên:
Mr. HOANG (boite 402)
Résidence Henri Sellier
123 rue de MALABRY
92350 Le Plessis-Robinson (FRANCE)
E-mail: nguyen.hoang@free.fr


 Kính thưa Quí vị,

Các bạn rất thân mến,

Gần đây, người viết rất vui mừng khi thấy trên báo chí, trên truyền thanh, truyền hình, trong những văn kiện của các đoàn thể, đã có nhiều người để ý đến vai trò của văn hóa trong công việc đánh đổ độc tài, xây dựng dân chủ đặng giải phóng tư tưởng để toàn dân được phát huy trí tuệ, cùng góp sức, góp phần, xây dựng quê hương. Ðúng vậy, nếu chính trị là đội quân tiền phong, là mũi dùi đột phá thành trì của độc tài, thì văn hóa, mà cốt lõi của văn hóa là tư tưởng, là đội quân chủ lực. Là đầu não chỉ huy để hướng dẫn chính trị và nhất là, để tái thiết quốc gia một khi độc tài không còn nữa. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, mà ngày ấy chắc cũng không xa, khi cộng sản độc tài đã dứt thì chúng ta, những nhà lãnh đạo, những bậc thức giả và toàn dân phải làm việc, phải tư duy theo đường hướng nào để đưa đất nước tiến lên ngang tầm thời đại? Chúng ta phải tư duy theo lối cộng sản như các sách viết theo lý luận Mác-xít của các tác giả theo cộng sản đã để lại trên quê hương chúng ta sao? Và như thế thì chúng ta phải mất công đánh đổ chế độ cộng sản làm gì? Hay quay lại theo các sách của các tác giả đã viết từ thời thực dân để lại? Quay lại lối làm việc, lối suy nghĩ như thời quốc gia? Và như thế thì "cũng như không" theo nhận định của đa số thức giả ngày nay. Hơn nữa, những sách cũng cổ quá rồi, nhiều sách đã được khảo cổ học và các khoa học mới chứng minh là không còn đúng nữa. Vậy tư duy theo cái gì? Tư duy theo lối thực dụng và theo các triết lý hỗn tạp của những nước tạm dung chăng? Và như thế thì sự chia rẽ vốn đã là một bệnh trầm kha trong cộng đồng người Việt sẽ trở nên khủng khiếp biết là chừng nào?!

Tương lai thực sự đen tối dù chúng ta đã phá bỏ được độc tài cộng sản nếu chúng ta không kịp có những tài liệu về văn hóa, chủ yếu là về tư tưởng để bù vào lỗ hổng khiếp đảm kia.

Ðó là mục đích mà hôm nay người viết mạo muội viết bức thư này gửi đến Quí vị. Từ lâu, người viết có ý muốn soạn một quyển tư tưởng sử Việt Nam. Nhưng khi tìm đến tài liệu thì thấy hãy còn quá nhiều khoảng trắng. Trong hoàn cảnh như vậy, viết tư tưởng sử dường như còn sớm vì không thể không dùng đến những suy đoán không có bằng chứng khoa học. Do đó, những trang sách cứ còn nằm mãi trong đầu!

Nhưng đến nay thì không thể chờ đợi được nữa! đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau ngồi lại viết một bộ SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM. Người viết xin được mạn phép đưa ra một gợi ý, rất mong được quý vị hồi âm đóng góp. Bộ sử đó nên chia làm 18 quyển theo trình tự như sau :

·         ·        Quyển thứ nhất - Quyển này viết về tư tưởng người Việt cổ thời tiền sử, thời chưa có chữ viết. Căn cứ vào đâu để có thể viết về tư tưởng hay đúng hơn, về tư duy của những người đã sống cách chúng ta hàng ngàn năm đến hàng chục ngàn năm? Cái xương sống của việc tìm hiểu tư duy này phải dựa vào khoa khảo cổ, và những công cụ tại các di chỉ khảo cổ tìm được mà nhờ những tiến bộ khoa học ngày nay, nhất là khoa phóng xạ carbon C14, người ta có thể đọc biết những tín hiệu tiền nhân muốn gửi gấm lại cho con cháu, bọn hậu bối chúng ta.

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào khảo cổ không thôi thì cũng không đủ. Dùng khảo cổ để tìm về sự thực ngày xưa cũng như dùng phương pháp phân loại máu để tìm về phụ hệ. Nếu loại máu của anh A có thể phủ nhận anh không phải là con của ông B; thì ngược lại, cũng không thể khẳng định đích thực ông B không phải là cha của anh A.
Khảo cổ cũng vậy : Khảo cổ có thể phủ định một sự thực trong quá khứ không đúng như người ta đã quan niệm; nhưng nếu muốn khẳng định đâu là sự thực thì phải cầu viện nhiều khoa học khác nữa bổ túc cho khảo cổ. Ðó là nhiệm vụ của các khoa khảo cổ sử học, khoa cổ nhân chủng học, khoa ngôn ngữ học, dân tộc học, xã hội học, văn học dân gian . . .....
Bao gồm trong quyển một này, ngoài sự hình thành và những biến chuyển trong tư duy người Việt thời Thái cổ, chúng ta cũng cần tìm hiểu về tiếng nói và chữ viết cổ của người Việt có giống hay khác thứ chữ sau này tổ tiên chúng ta đã dùng trong nhiều thế kỷ mà chúng ta gọi là chữ Nho hay chữ Tàu, chữ Hán.
Về việc thành lập nhà nước Văn Lang, về một trong những thời kỳ cổ của Trung Hoa là thời Xuân Thu Chiến Quốc mà người viết cho rằng có ảnh hưởng khá lớn đến việc tranh dành địa bàn ngày nay là nước Trung Hoa giữa tộc Hoa với tộc Việt.
Việc thua phải rút lui hay phải chịu sự đồng hóa của tộc Hoa. Sự thua, đồng hóa và rút lui của các thủ lãnh từ miền bắc xuống miền nam tập trung ở lưu vực sông Hồng là một yếu tố quan trọng cho việc củng cố lại nước Văn Lang thu hẹp mà ta gọi là Giao Châu. Có một số câu hỏi mà bấy lâu nay vẫn làm nhức nhối các nhà nghiên cứu lịch sử. Thí dụ như câu hỏi tại sao đại tộc Bách Việt có một nền văn hóa rực rợ và tiến bộ vào bậc nhất nhân loại hồi ấy mà lại có thể bị thua và phải nhường phần đất mầu mỡ nhất là phía nam sông Hoàng Hà và lưu vực sông Dương Tử cho người Hán?

Tại sao cũng cùng là tộc Bách Việt mà những nước ở phía nam sông Dương Tử như nước Sở, Ðông Việt (Ngô Việt), Mân Việt, Bách Việt (Hồ Ðộng Ðình), nước Lạc Việt của Việt Vương Câu Tiễn (Quảng Ðông) cho đến những nước Ðiền, nước Dạ Lang, nước Thục (Quảng Tây, Âu Việt) rồi Nam Việt (Triệu Ðà), vùng Triết Giang, Phúc Kiến (Giang Nam), rồi Nam Chiếu tức nước Ðại Lý sau này, toàn là những nước đã từng có một nền văn hóa khá cao mà lại bị đồng hóa dễ dàng bởi người Hán. Trong khi đó thì người Âu Việt, Lạc Việt sau khi cũng đã bị mất và bị người Hán đô hộ cả ngàn năm lại có thể lấy lại được tự chủ, được độc lập; mà những nước kia lại bị đồng hóa luôn.
Tại sao Thục dưới thời An Dương Vương xâm chiếm đất Văn Lang của Vua Hùng lại được dân coi là anh hùng dân tộc và được thờ; trong khi đó Triệu Ðà là vua nước Nam Việt (bắc Hán, nam Việt - lấy sông Dương Tử làm ranh giới), một ngành của Bách Việt khi xâm chiếm Âu Lạc lại bị coi như ngoại xâm?
Lại nữa, những người thuộc đại tộc Bách Việt bây giờ ở đâu? Họ có đúng là còn lại ở Trung Hoa và còn chiếm một tỷ lệ cao bảy tám mươi phần trăm như nhiều nhà nghiên cứu đã nói không?
Tất cả những vấn đề đó sẽ được nhìn không phải chỉ dưới khía cạnh lịch sử mà điểm chính là từ khiá cạnh đó sẽ cố gắng tìm ra cốt lõi tư tưởng người Việt trước khi thu nhập các tư tưởng bên ngoài như Nho, Phật, Lão.

·         ·        Quyển thứ hai - Quyển này viết về tư tưởng bình dân. Tư tưởng chính của người Việt thời cổ không phải ở trong các tác phẩm chữ viết mà chính ở trong văn chương truyền khẩu gồm có tục-ngữ, ca-dao, truyện nôm, truyền thuyết, truyện cổ-tích ... Trong những tư tưởng bình dân có những tư tưởng có trước thời kỳ Bắc thuộc, trước khi thâu hóa những tư tưởng ngoại lai, cũng có những tư tưởng có trong hay sau thời kỳ Bắc thuộc.

Ðấy là những tư tưởng đã hay đang thâu hóa những tư tưởng ngoại lai. Việc phân biệt đâu là tư tưởng cốt lõi trước khi thâu hóa tư tưởng ngoại lai và đâu là những tư tưởng bị ảnh hưởng tư tưởng ngoại lai không phải là việc đơn giản.
Việc phân biệt bao nhiêu phần trăm tư tưởng bình dân là do cốt lõi tư tưởng dân tộc, bao nhiêu phần trăm chịu ảnh hưởng từ các tư tưởng ngoại lai. Nói khác đi, mức độ nặng nhẹ của ảnh hưởng những tư tưởng ngoại lai trên tư tưởng cốt lõi dân tộc trong văn chương bình dân còn khó hơn nữa.
Tuy nhiên không ai phủ nhận ảnh hưởng tư tưởng bình dân trong đời sống dân tộc Việt Nam. Và cũng không ai lại không đánh giá cao việc bảo tồn văn hóa dân tộc dựa vào tư tưởng bình dân, điều này rất là rõ rệt.
Bởi vậy sự quan trọng của tư tưởng bình dân đối với đời sống của người Việt, nhất là đời sống của người Việt ở nông thôn chiếm đại đa số dân tộc Việt, cũng như sự quan trọng của tư tưởng bình dân trong việc giữ gìn văn hóa Việt Nam nói chung là điều quan trọng.
Ðó là lý do tư tưởng bình dân đuợc trình bày trong quyển thứ nhì. Quyển này sẽ chia ra : phần thứ nhất nói về Trời, phần thứ nhì nói về đất và phần thứ ba nói về Người. Về Trời nói chung sẽ có ba chương.
Chương thứ nhất nói về những tín ngưỡng đầu tiên của người Việt cổ. Ngoài Trời sẽ nói về những tín ngưỡng thiên nhiên khác như về thần sấm chớp, thần gió, thần mưa, nghĩa là những thần tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên, nhất là những thế lực thiên nhiên ảnh hưởng đến đời sống nông nghiệp vốn là căn bản của văn minh người Việt cổ.
Sau khi nói về tư tưởng cổ, ta sẽ nói về tư tưởng Tam Giáo trong ca dao. Trong phần tư tưởng thiên nhiên sẽ nhấn mạnh về đạo như đạo hai chiều "có đi có lại mới toại lòng nhau". Từ đó có thể suy luận rằng triết lý Việt cổ rất gần với Kinh Dịch và đặt vấn đề phải chăng Kinh Dịch là sản phẩm của người Bách Việt?
Ðến phần thứ hai nói về đất, chia ra làm ba chương. Chương bốn nói về tình yêu quê hương, làng xóm, yêu danh lam thắng cảnh. Chương năm nói về yêu những anh hùng dựng nước, giữ nước, có công với đất nước về mọi mặt. Chương sáu nói về lòng nhớ quê của người Việt cùng những kỷ niệm về quê hương cũ. Phần quan trọng nhất là về Người. Chương bảy sẽ nói về tình yêu trong gia đình. Chương tám sẽ nói về tình yêu trong xã hội. Chương chín sẽ nói về bách nhân, bách nghệ. Chương mười đặc biệt cho tình yêu trai gái, sẽ phân ra làm ba trường hợp khác nhau.

·         ·        Quyển thứ ba - Quyển này sẽ nói về tư tưởng Việt Nam thâu hóa được trong thời kỳ Bắc thuộc, gồm có ba phần chính : phần Nho, phần đạo hay Lão và phần Phật.

Mỗi phần lại chia ra làm nhiều chương tùy theo từng thời kỳ thâu hóa trong lịch sử Việt Nam. Trong quyển này cũng gồm có bốn chương chính. Chương thứ nhất nói về ảnh hưởng của Phật Giáo từ khi mới du nhập vào Việt Nam cho đến hết thời Bắc thuộc và những dư âm của nó sẽ còn quan trọng như thế nào trong những thời kỳ kế tiếp. Chương thứ hai sẽ nói về ảnh hưởng sự du nhập của đạo học nói chung vào Việt Nam và vai trò của nó trong đời sống dân tộc. Chương thứ ba sẽ nói về sự du nhập cũng như ảnh hưởng của Nho Giáo trong thời Bắc thuộc qua từng giai đoạn một. Chương thứ tư sẽ nói về sự hòa đồng ba tư tưởng Phật, Lão, Nho với tư tưởng cổ truyền của dân tộc (tức đạo sống của dân tộc, hay Việt Ðạo).



·         ·        Quyển thứ bốn - Sự thâu hóa những tư tưởng trên hòa nhập với cốt lõi của tư tưởng Việt Nam vốn có những nét vô cùng độc đáo, sẽ đi đến những tư tưởng đặc thù của nhà nước tự chủ Việt Nam thuộc thời kỳ Ðại Việt gồm từ Ðinh, Lê, Lý đến Trần, Hồ.

Ðây quả là một thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, và cũng là thời kỳ cần được nghiên cứu kỹ càng nhất; vì đây có thể là tài liệu có công dụng lớn nhất trong việc phục hưng văn hóa dân tộc.
Nghiên cứu thời kỳ này chúng ta sẽ thấy Việt Nam có những sáng tạo lớn chứ không phải tư tưởng Việt chỉ quanh quẩn trong Tam Giáo; dù đó là Tam Giáo đồng nguyên hay Tam Giáo đồng lưu.

·         ·        Quyển thứ năm - Ðối tượng của quyển thứ năm là tư tưởng Việt Nam từ thời Lê sau cái chết của Nguyễn Trãi cho đến khi quốc gia bị chia ra làm ba phần : Mạc, Trịnh, Nguyễn.

Thời Lê mà lịch sử cũng như văn học sử vẫn thường coi là một thời kỳ rực rợ, phát triển cao độ của nền quân chủ Việt Nam. Dưới ánh sáng của những phát minh mới về khảo cổ cũng như về dân tộc học, người viết nhìn thấy rằng thực sự về phương diện tư tưởng đây bắt đầu một thời kỳ suy thoái. Thời kỳ mà người Việt đã bắt đầu đi sai định hướng cố hữu của tộc Việt. Ðành rằng đầu thời Lê chúng ta sẽ thấy có những công trình về văn học, về luật học, tôi muốn nói đến bộ luật Hồng Ðức rất là rực rợ. Nhưng đó chẳng qua chỉ là tia hồi quang của nền văn hóa đã tiến đến cao độ thời Lý, Trần và thời Hồ.
Thực vậy, người xây dựng, kiến trúc sư chính của những công trình này là Nguyễn Trãi, một người đã sinh ra, đã lớn lên, đã thâu thái được cái cốt tủy của nền văn minh Ðại Việt Lý, Trần. Nhưng cái chết của ông cũng như sự hy sinh của cả ba họ Nguyễn Nhị Khê cũng đánh dấu sự suy thoái của nền văn minh Ðại Việt trước sự bành trướng của văn hóa Trung Hoa.
Oái oăm thay! lúc chúng ta chiến thắng về quân sự cũng là lúc chúng ta bắt đầu thua trên mặt trận văn hóa để cho tinh hoa của dân tộc bị thương tổn trầm trọng kéo theo sự suy thoái của cả một dân tộc, kết quả đã đưa đất nước dần đến chỗ bại vong và bị mất nước về tay người Pháp sau này.

·         ·     Quyển thứ sáu - Quyển này nói về tư tưởng thời kỳ đất nước bị chia hai : Mạc, Trịnh.

Ðây là một thời kỳ hết sức đặc biệt, không những chỉ đặc biệt đối với nước ta mà còn là thời kỳ nhân loại trên thế giới bắt đầu thức giấc sau giấc ngủ dài của thời Trung cổ.
Dân Việt cũng cùng tâm trạng với cộng đồng thế giới. Chính Mạc đăng Dung là người đã đứng lên làm cuộc cách mạng này Ông đã có cái nhìn ra biển cả, định hướng dẫn dân Việt tham gia cuộc cách mạng Trọng Thương này.
Ðáng tiếc tư tưởng cấp tiến của ông không được hưởng ứng để cuối cùng hai họ Trịnh Nguyễn lại kéo dân Việt thụt lùi lại thời Trung Cổ.
Các sử gia trước đây có thể vì lý do nào đó đã không nhìn thấy hoặc làm như không nhìn thấy và thường đánh giá nhà Mạc như một Ngụy triều. Do đó tư tưởng thời này cũng coi như không có gì đáng kể. Ðây là khúc quanh quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc.
Ðã đến lúc chúng ta phải tìm biết sự thực ngọn ngành để trả công đạo về cho lịch sử và rút bài học cho các thế hệ mai sau.

·         ·    Quyển thứ bảy - Nhà Mạc dứt, tiếp theo là thời kỳ Nam bắc phân tranh kéo dài gần 200 năm.

Ðứng về phương diện lịch sử cũng như về phương diện tư tưởng sử, đây là thời kỳ có nhiều mâu-thuẫn nhất, vừa có những tiến bộ ngoạn mục, lại vừa có những thoái trào sâu sắc :

-          Về lịch sử, lãnh thổ đã mở rộng cương vực về phía Nam nâng diện tích đất nước lên gần gấp hai lần trước; nhưng đồng thời cũng lâm thời chia dân Việt ra làm hai quốc gia khác nhau (Hoàng Lê Nhất Thống Chí : đối thoại giữa Nguyễn Huệ và vua Lê đã dùng danh từ Tệ quốc, Qúy quốc)

-          Về tư tưởng sử, đây là lúc đang dần dần tiếp thu hai miền đất mới (Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp) đương nhiên cũng tiếp thu luôn hai nếp sống mới, hai nền văn hóa mới để hòa nhập với văn hóa Việt.
Những nền văn hóa khác biệt này đương nhiên khi hòa đồng với nhau cũng phải có những va chạm, những trăn trở, cả những xung đột nữa mà không phải lúc nào cũng êm đềm không sóng gió.
Phản ánh những biến chuyển này trong tư tưởng người dân Việt thời kỳ này ra sao?

·         ·        Quyển thứ tám - Quyển này dành để nghiên cứu tư tưởng thời Tây Sơn.
Nhà Tây Sơn tuy rất ngắn ngủi (1778 Nguyễn Nhạc xưng đế ở Qui Nhơn, 1802 Gia Long lên ngôi vua) nhưng lại là một triều đại đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử cũng rất đặc biệt. Không chỉ đặc biệt vì thiên tài quân sự của vua Quang Trung đã tạo được những chiến công quân sự hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử - hẳn đã gây nhiều kiêu hãnh cho người Việt và cũng tạo không ít những kỳ vọng vào tương lai xứ sở cho mỗi người dân thời đó - mà còn vì thời kỳ này trùng hợp với thời kỳ trên thế giới có nhiều biến cố trọng đại mở màn cho lịch sử nhân loại ngày nay: Năm 1776 anh em Nguyễn Nhạc chiếm được thành Qui Nhơn khởi đầu triều đại Tây Sơn. Năm đó cũng là năm Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tuyên bố Hiến pháp độc lập; năm Adams Smith mở đầu thời kỳ kinh tế tự do, năm James Watt sáng chế máy hơi nước, khơi nguồn cho cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Âu Châu và cũng là nguyên nhân cho kinh tế Tây phương cất cánh. . . Vì sao dân Việt đã lỡ chuyến tầu không cất cánh được như Nhật Bản hay nhân loại phương Tây? Nhiệm vụ quyển tám phải tìm cho được lời giải thích thỏa đáng vậy.
·         ·        Quyển thứ chín và thứ mười - Quyển chín và quyển mười đều nói về tư tưởng thời Nguyễn.                     
Quyển chín bàn đến tư tưởng người Việt khi chưa có sự xâm lấn của thực dân Pháp. Quyển mười chuyên về tư tưởng đối kháng với sự đe dọa bị mất nuớc vì một kẻ thù mới không phải là kẻ thù phương Bắc, với những khí giới mới, những kỹ thuật mới và sự tư duy mới, chúng ta chưa hề gặp trong quá trình lịch sử. Tài liệu để lại trong thời này đã khá phong phú. Vấn đề chỉ còn là phải suy nghĩ thế nào để không bị chi phối bởi lối suy luận của những người đã viết ra và để lại những tài liệu đó, hầu tiếp cận được sư thực bởi những tài liệu này thường đã bị diễn dịch sai dù về phía người Việt hay người Pháp.
·         ·       Quyển thứ mười một và mười hai - Quyển thứ mười một và mười hai nói về tư tưởng Việt Nam thời kỳ thâu hóa thứ nhì, khi bắt đầu tiếp xúc với Tây phương cho đến năm 1945.
Ðây là một thời kỳ phức tạp. Ngoài văn chương Hán Nôm, chúng ta bắt đầu có văn chương chữ Quốc-Ngữ. Ngoài những tư tưởng cổ đông phương, chúng ta bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng Tây phương. Nhìn về một khía cạnh có thể ta thấy như Tản đà :
Than ôi! văn minh đông Á trời thâu sạch,
Này lúc cương thường đảo ngược ru?

Nhưng ở một khía cạnh khác, quả Việt Nam đã thâu hóa được những nền văn hóa lớn nhất của Tây phương và đã trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn nhưng cũng cực kỳ vinh hiển mà ảnh hưởng hãy còn sâu đậm cho đến ngày nay.

Tư tưởng thời kỳ Pháp thuộc nhưng Pháp chưa bình định được đất nước ta được trình bày trong quyển mười một trong khi quyển mười hai dành để nói về thời kỳ thứ hai, cuộc bình định đã tạm yên và việc chống đối Pháp đã chuyển sang một khía cạnh khác.

·         ·   Quyển thứ mười ba và mười bốn: Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với văn hóa Tây phưong bao gồm cả sự tiếp xúc với nền tư tưởng cực đoan nhất của Tây phương là tư tưởng Mác-xít và đã đưa đến thảm cảnh nồi da sáo thịt trong suốt hơn ba chục năm. Tư tưởng hoàn toàn xáo trộn, xung khắc mãnh liệt và để lại những hậu quả vô cùng lớn lao, những vết hằn vô cùng sâu đậm trong tâm trí của mỗi người Việt.

Quyển mười ba và mười bốn khởi đầu từ năm 1945, năm Việt Minh cướp chính quyền cho đến năm 1954, khi đất nước chia đôi.
Quyền mười ba nói về tư tưởng phát triển ở vùng quốc gia, không bị chính quyền Cộng sản khống chế, nhưng thường chịu ảnh hưởng của ngoại bang vì là vùng do Pháp tạm chiếm. Quyển mười bốn viết về tư tưởng ở vùng do chính quyền Việt Minh kiểm soát càng ngày càng lộ mặt theo chế độ Cộng sản nên tư tưởng cũng là tư tưởng dần dần chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-xít.

·         ·      Quyển mười lăm và mười sáu: Thời kỳ từ năm 1954, khi đất nước bị chia đôi đến năm 1975 khi miền Nam bị miền Bắc cưỡng chiếm cũng được chia làm hai quyển :
Quyển mười lăm viết về tư tưởng phát triển ở miền Bắc Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.
Quyển mười sáu về tư tưởng phát triển ở miền Nam Việt Nam sống dưới ảnh hưởng của tư bản rõ hơn là của Mỹ đã thay thế Pháp để giúp người quốc gia chống với khối Cộng Sản.

·         · Quyển mười bảy và mười tám:Thời kỳ từ 1975 đến nay sẽ được nghiên cứu và trình bày trong hai quyển mười bảy và mười tám : 30/4/1975 là ngày mà miền Bắc với sự lãnh đạo của khối Cộng Sản đã chiếm được miền Nam và đã đặt toàn cõi Việt Nam dưới sự chi phối của khối Cộng Sản.

Một số khá lớn những người Việt, chính yếu là ở miền Nam nhưng rồi sau có cả những người miền Bắc đã bỏ nước ra đi tìm tự do, sống ở khắp mọi phương trời trên hành tinh này. Họ đến đâu cũng cố gắng làm báo, viết sách và phát huy tư tuởng Việt Nam ở đó. Do đó, quyển muời bảy viết về những tư tưởng Việt Nam phát triển ở trong nước và quyển mười tám là tư tưởng Việt Nam của những người vong quốc sống khắp mọi nơi trên trái đất mà bốn trung tâm lớn là ở Bắc Mỹ, Âu Châu, Gia Nã Ðại và Úc Châu.

18 quyển sách trên tuyệt đối không có mục đích công kích hay khen chê một tập thể nào, hay một cá nhân nào, cũng không có mục đích chỉ đề cao chủng tộc của mình mà hạ thấp chủng tộc khác.
Vả lại công việc đó trước kia có thể còn có chút ý nghĩa thì ngày nay không còn là điều quan trọng nữa bởi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên mới mà sự phân biệt quốc gia càng ngày càng ít được quan tâm.

Trái đất càng ngày càng chứng tỏ là căn nhà chung của nhân loại mà sự sống chết của tộc này với tộc khác, của vùng này hay vùng kia rồi sẽ liên hệ càng ngày càng chặt chẽ với nhau.

Cũng đã đến lúc mà không còn một quốc gia này có thể thôn tính quốc gia khác, hiểu theo nghĩa thôn tính về quân sự.

Mục đích của những tập sách này, trước hết để giúp cho những con em người Việt, dù ở trong nước, dù đã phải bỏ nước ra đi sống ở khắp mọi phương trời biết được nguồn gốc của mình, biết được mình là ai hầu có thể sống trong một xã hội chung, đa văn hóa, xã hội của loài người, góp phần trong việc xây dựng tư tưởng chung cho loài người hầu có thể sống êm thắm và có thể cùng tồn tại trên trái đất.
Tuyệt đối không phải là tìm ra một cái gì riêng rẽ để mà ganh đua để mà ghen ghét với người khác và cũng không phải để mà tự hào về dĩ vãng huy hoàng nào đó nếu hiểu theo sự tự hào là tự cao tự đại.

Như trên đã nói, người viết hiểu rất rõ rằng, trong hoàn cảnh tài liệu hiện tại, viết một bộ lịch sử tư tưởng hãy còn là quá sớm. Ðành rằng trong những ngày gần đây, đã có sự tiến bộ đáng kể về các khoa khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ học, dân gian học. Tuy nhiên các khoa này còn để lại những khoảng trống chưa dễ có thể lấp đầy trong tương lai gần. Vì vậy viết một bộ lịch sử lúc này không thể không phải dùng đến những suy đoán thiếu dữ kiện khoa học.
Nhưng mặt khác, một bộ tư tưởng sử như trên đã nói đang là điều tối cần thiết - một điều khẩn cấp - về phương diện quốc gia dùng làm căn bản, làm hậu cứ cho mũi nhọn chính trị đánh đổ độc tài xây dựng dân chủ ngõ hầu động viên được trí tuệ toàn dân kịp xây dựng quốc gia bắt kịp đà tiến của nhân loại.

Về phương diện quốc tế, để góp phần vào việc tìm ra được mẫu số chung cho sự cộng sinh cộng tồn của nhân loại.
Vậy có thể kết luận là : Phải viết, hơn thế phải hoàn thành bộ sách này càng sớm càng tốt. Phương pháp duy nhất để thực hiện được điều đó là cần có sự hợp tác của nhiều người để cùng hợp soạn.
Riêng bản thân người viết không lượng sức mình, bấy nay đã viết và đã hoàn thành được một phần trong 18 quyển kể trên. Người viết xin chọn đăng một số bài trong các bản thảo này để xin được sự chỉ bảo của các bậc cao minh và quý bạn xa gần.
Có nhiều cách hợp soạn : Hoặc chia nhau, tùy theo sở trường, mỗi người nhận viết một quyển, hoặc viết một chương hay vài ba chương trong một quyển, hoặc phê bình, góp ý, cung cấp tài liệu, bài vở đọc thêm....
Còn một cách hợp tác nữa, có thể là cách hay nhất, là chúng ta ngồi lại với nhau lập thành một Nhóm hay một Trung tâm, một Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam hay xin cho phép chúng tôi đề nghị là Hội Phát Triển Văn Hóa Việt Nam tại Quốc Ngoại để tùy tâm ,tùy sức, kẻ viết, người tán trợ, kẻ góp công, người góp của cùng nhau hoàn thành sự nghiệp này.
·         Rất mong được Quý Vị và các Bạn cho biết tôn ý.


Thư từ xin gửi về :
P.O. BOX 246 CROYDON PARK, NSW 2133 - AUSTRALIA
Email : tutuong@telstra.com
hay
Địa chỉ cộng tác viên: Mr. HOANG (boite 402)
Résidence Henri Sellier, 123 rue de MALABRY
92350 Le Plessis-Robinson (FRANCE)
E-mail: nguyen.hoang@free.fr

 Chúng tôi kính cẩn chờ mong hồi âm của quý vị.
Sydney, ngày 15 tháng 3 năm 1999 đại diện HỘI PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI QUỐC NGOẠI  Ban Biên tập Tập San TƯ TƯỞNG
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

THƯ NGỎ 2
Kính gửi Quý Vị Ðộc Giả Và Bằng Hữu thân thương,

Kể từ bức thư ngỏ thứ nhất trong mục "Tiếng chim gọi đàn" gửi đi, Tập San TƯ TƯỞNG đã nhận được khá nhiều hồi âm của các bằng hữu xa gần hưởng ứng và khuyến khích công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Tưởng đã đến lúc có thể đi vào giai đoạn thực hiện.
Chúng tôi viết bức thư này xin gợi vài ý kiến sơ khởi để xin thỉnh ý quý vị. Một bức thư với những đề nghị cụ thể chi tiết hơn, sẽ được soạn thảo và gửi đến quý vị bằng đường bưu điện. Rất mong khi nhận được, xin quý vị bớt chút thì giờ nghiên cứu, bổ khuyết và gửi lại địa chỉ Tập San TƯ TƯỞNG để anh em tòa soạn đúc kết thành bản hướng dẫn chung cho việc biên soạn bộ Tư Tưởng Sử. Việc biên soạn bộ sách lớn như thế này nhất định không phải là công việc của một người hay một nhóm người.
Trong hoàn cảnh của những người Việt hải ngoại hiện tại, việc này phải được đại diện bởi những người trí thức vẫn một lòng chung thủy với đất nước. Chẳng may, vì vận nước, những người ấy phải nổi trôi khắp nơi trên mặt địa cầu, thường còn mang tâm sự của kẻ bị đi đày biệt xứ, đi đầy mà không do lỗi của mình. Nhìn về dĩ vãng chỉ thấy những lầm với lỡ, toàn một cảnh đau thương tủi hận. Nhìn về tương lai, chỉ gặp những rẽ cùng chia, toàn một màu ảm đạm tối tăm: Con cháu lớp hậu bối rồi sẽ thành công cả đấy. Nhất định họ sẽ được sống cuộc đời vật chất đầy đủ. Nhưng về đường tinh thần thì sao? Phải chăng rồi họ sẽ trở thành những kẻ vong thân mất hướng? Và rồi qua cơn hăng say vật lộn để chiếm được địa vị cao sang trong xã hội mới, họ làm sao thoát được cuộc sống cô đơn về phương diện tinh thần, khác gì tâm sự của kẻ bị đi đầy biệt xứ như lớp cha anh? Lớp cha anh còn có lý do múa may loạn xạ để khỏa lấp nỗi buồn tha hương. Lớp trẻ mai sau khi không còn lý do này nữa thì họ sẽ làm gì? Sự thực này ai cũng thấy mà chẳng ai nói ra.
Nhưng ngày tháng qua mau. Tuổi lớp người vong quốc tiền phong mỗi ngày một già. Lác đác đã có những người ra đi vĩnh viễn. Chúng ta phải làm ngay một cái gì trước khi không còn thời giờ nữa. Chúng ta phải trang bị cho con em chúng ta và lớp hậu duệ mai sau cuộc sống làm người dân Việt, có như thế mới không bị vong thân dù sống ở bất cứ chân trời nào, mang bất cứ quốc tịch nào.
Lịch sử đã sang trang. Thời đại này là thời đại mới. Không cứ chỉ ở nước Việt mới là người Việt. Cũng không cứ đã là người Việt thì không đóng trọn vai trò công dân một nước khác dù Anh, Mỹ hay Pháp, Úc. Nhưng đã sinh ra là giống Việt thì dứt khoát phải là một người Việt trước đã. Không trang bị tinh thần đủ là người Việt thì sẽ chẳng thể thành người gì khác cho tốt được.
Bởi vậy, lúc này, và không thể để trễ hơn nữa, chúng ta cần một dự án để trang bị cho con cái và hậu duệ của chúng ta phải thực sự là người có văn hóa mà bắt đầu là văn hóa Việt :
-          Về pháp lý : Một Hội mang tên "HỘI PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI QUỐC NGOẠI" đã được thành lập tại Sydney - NSW. Những chi nhánh rồi sẽ được lập nên tại những nơi có đông người Việt cư ngụ.
-          Về tài chánh và quản trị: do ban quản trị của hội phối hợp với những mạnh thường quân và bằng hữu muôn phương tình nguyện tham gia đảm trách.
-          Về nhân sự : sẽ mời gọi các vị thức giả khắp mọi nơi
tham gia vào bốn nhóm :
 1/ - Nhóm người viết tham luận và sưu tầm tài liệu.
2 /- Nhóm chấp bút soạn Tư Tưởng Sử.
3 /- Nhóm duyệt sách.
4 /- Nhóm cố vấn.
 -      Người viết tham luận sẽ tùy theo khả năng chuyên môn và tài liệu mình có, viết bất cứ về đề tài gì miễn có liên quan đến lịch sử nói chung, tư tưởng Việt Nam nói riêng, nhắm mục đích bồi dưỡng cho lớp trẻ và thế hệ mai sau về vũ trụ quan, về nhân sinh quan của người Việt sống tại bất cứ nơi nào trong cộng đồng nhân loại. Bài viết gửi bằng Email (điện thư) về các địa chỉ của Hội. Nếu không tiện viết qua đường điện thư, người viết có thể đánh máy vào floppy disk hoặc viết tay gửi qua đường bưu điện. Bài viết sẽ được sắp xếp và lưu trữ theo thứ tự thời gian nhận được.
-          Số người tham gia vào việc biên soạn bộ sử càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu chấp thuận Bộ Sử phải gồm ít ra là 18 quyển, trên dưới 10.000 trang khổ A4 thì người viết cũng không thể dưới
con số 15 vị được. Tất nhiên khi viết sử, người chấp bút nên viết theo thứ tự niên đại chứ không theo tài liệu nhận được.

-    Số người tham gia nhóm duyệt lại cũng cần tương đương số người chấp bút.
-    Nhóm cố vấn sẽ tham gia vào công việc biên soạn trong mọi giai đoạn từ khi gom góp tài liệu đến lúc sách phân phối đến tay người đọc.

Trên đây chỉ là vài đề nghị gợi ý để tiện bề thảo luận. Bản đề án chính thức nếu được sự đồng ý của quý Vị, sẽ được Ban Biên Tập Tập San TƯ TƯỞNG soạn sau khi đã nhận được ý kiến đóng góp của thân hữu bốn phương.

Cũng may, nhờ tiến bộ của tin học hiện đại, các kẻ vong quốc sống tản mác muôn phương, lại có thể hợp quần để làm được việc có ích trong những năm còn lại của cuộc đời Cuộc đời chúng ta có thể chẳng còn bao nhiêu, nhưng cuộc đời của một tổ chức, một hội đoàn thì phải lâu dài. Những điều chúng ta chưa làm được trong phần đời còn lại, lớp trẻ sẽ kế tục chúng ta đi tiếp con đường đã vạch. Sự đóng góp của chúng ta vào công việc chung tùy thuộc thời gian và sức khỏe của mỗi người. Ðiều quan trọng nhất là đóng góp chút uy tín của chúng ta - cái uy tín có thể cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng là uy tín của những con dân chưa hề làm gì lầm lỗi với đồng bào và tổ quốc - vào một tổ chức văn hóa chung để tổ chức này có đủ bảo đảm khả dĩ giúp cho lớp đi sau có thể lấy đó làm bàn đạp góp phần vào việc xây dựng đất nước và phục vụ nhân sinh.

Xin quý vị nhận trước nơi đây lời cảm tạ chân thành của Ban vận động biên tập.

·         Ðại diện Ban biên tập Sydney, ngày 09/09/1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét